Cần giải pháp đột phá cho ngành khí
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, khí được quy định là nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện. 2 sản phẩm chính là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng LNG; khí thiên nhiên nén CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng LPG khi kinh doanh tại Việt Nam phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp lý ở cấp nghị định.
Hiện tại, thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải ở miền Bắc, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 10%. Quy mô thị trường đạt gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay.
Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991 với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, trong đó nguồn cung trong nước chỉ đạt 989 nghìn tấn, chiếm gần 50 %.
Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, trong đó nguồn cung trong nước chỉ đạt 989 nghìn tấn, chiếm gần 50 %. |
Theo Đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), phát triển năng lượng, đặc biệt phát triển thị trường khí tại Việt Nam là hết sức cần thiết nhằm cung cấp đủ điện năng cho nhu cầu quốc gia, tăng cường đảm bảo an ninh năng lượng, đa dạng hóa nguồn nhiên liệu sơ cấp cho phát điện.
Tuy nhiên, trải qua hơn 20 năm phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam vẫn còn tồn tại những bất cập và khó khăn cần tháo gỡ.
Thứ nhất, thị trường khí tại Việt Nam trong thời gian qua đạt mức tăng trưởng trên 12%/năm. Tuy nhiên, sản lượng khí sản xuất và tiêu thụ trong nước vẫn còn thấp so với mức tiêu thụ.
Theo Đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, với tổng công suất các nhà máy điện khí giai đoạn 2030 khoảng 19.000 MW sẽ cần khoảng 22 tỷ m3 khí, trong đó khoảng gần 50% là từ nguồn LNG nhập khẩu. Hiện tại, hàng chục nghìn MW nhà máy điện tubin khí đã có cũng đang thiếu khí cần phải nhập thêm LNG để bổ sung cho đủ công suất đảm bảo cân bằng hệ thống.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) bổ sung, hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 10.000MW công suất nhà máy điện tubin khí, sử dụng khí đồng hành thiên nhiên tại các khu vực như: Phú Mỹ (Bà Rịa) khoảng 4.000MW, Nhơn Trạch khoảng 3.000MW, Cà Mau 1.500MW, lượng khí đồng hành thiên nhiên lấy từ các mỏ dầu, như Bạch Hổ, PM3 và Phú Mỹ 3... hàng năm trên dưới 1 tỷ m3 khí, lượng khí đó chỉ đáp ứng tối đa 60% công suất của các nhà máy điện tubin khí; số thiếu ngành năng lượng cần phải phát bù bằng chạy dầu FO.
Theo dự kiến của VEA, nhu cầu nhập LNG cho việc phát điện vào năm 2030 của Việt Nam phải đạt trên 1 triệu tấn thì mới đủ đảm bảo kế hoạch nêu trên (chưa kể khu vực Bắc bộ cũng bắt đầu tham gia nhập khẩu LNG từ năm 2025 cấp bù khí cho các khách hàng tiêu thụ tại Thái Bình và các tỉnh lân cận).
Thứ hai, nhằm hoàn thiện chính sách phát triển thị trường LPG tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Theo đó, Nghị định này đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý đã xuất hiện.
“Nghị định có khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức Tổng đại lý, đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí; điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh khí; còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập sổ theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG. Đồng thời, thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương, thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện”, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết.
Bàn về hướng tháo gỡ, ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cân bằng năng lượng chung từ nay tới năm 2030 cần các giải pháp đột phá mới, tích cực và hiệu quả, trong đó có việc cần phải nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
“Do vậy, việc quy hoạch hạ tầng cơ sở để nhập khí thiên nhiên hóa lỏng LNG tại các khu vực như Cảng Phú Mỹ (Bà Rịa), Cảng Nhơn Trạch, Cà Mau - Ô Môn, trong những năm tới cần được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chỉ đạo EVN, PVN phối hợp triển khai thực hiện 1 cách khẩn trương, nghiêm túc, sâu sắc để đạt được kết quả như mong đợi”, ông Tô Quốc Trụ chia sẻ.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng cần tập trung xây dựng theo hướng thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí. Quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí.
Đồng thời có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.