Cần giải pháp tổng thể tăng khả năng hấp thụ vốn
Bàn giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế Tìm giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế |
Nhu cầu vốn vay giảm
Mặc dù triển khai nhiều giải pháp nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn kỳ vọng. Thống kê của NHNN Việt Nam cho thấy, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).
Các chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm không xuất phát từ vấn đề cung ứng tín dụng của ngành Ngân hàng, mà là từ sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, doanh nghiệp không có đơn hàng, hàng tồn kho lớn. Thống kê của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) chỉ ra, số ngày tồn kho của các doanh nghiệp ngành bất động sản lên tới 5.662 ngày; ngành sản xuất tồn kho kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023.... Doanh nghiệp không tìm được cơ hội sản xuất kinh doanh nên không có nhu cầu vay vốn, như ngành dệt may 8 tháng đầu năm 2023 giá trị xuất khẩu đã giảm 16,4%. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, thời gian qua việc điều hành chính sách tiền tệ và những giải pháp hệ thống ngân hàng đưa ra rất quyết liệt, linh hoạt, tích cực. Tuy nhiên do doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì, dù lãi suất thấp.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để TCTD có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Do đó, NHNN đề xuất 4 nhóm giải pháp về kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường; nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; và giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất. |
Bên cạnh nhu cầu vay giảm do thiếu đầu ra, nguyên nhân nữa ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp do kinh tế khó khăn, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp bị suy giảm không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng. Về phía mình, ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng, cắt giảm các quy định, điều kiện cho vay nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp SHB cho biết, sở dĩ các doanh nghiệp, nhất là DNNVV chưa tiếp cận tín dụng trong giai đoạn này bên cạnh yếu tố thị trường, còn do thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp vẫn kém minh bạch, đặc biệt là báo cáo tài chính không qua kiểm toán đã gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp. "Hiện nay những bất cập mà doanh nghiệp, nhất là DNNVV còn gặp phải như năng lực quản lý điều hành và mối quan hệ dẫn đến các phương án, dự án kinh doanh không bài bản, dễ phát sinh rủi ro. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các DNNVV hiện đang gặp khó về đầu ra, hàng tồn kho lớn và không có nhu cầu để tiếp tục đầu tư thêm nên chưa có nhu cầu vay vốn ở thời điểm hiện tại", ông Dũng chia sẻ thêm.
Về lâu dài, ngành Dệt may có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn lớn |
Tìm giải pháp tháo gỡ
Giới chuyên môn nhận định, NHNN đã triển khai rất quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất... đặc biệt đánh giá cao việc giảm lãi suất của ngành Ngân hàng trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Do đó, hiện dư địa chính sách tiền tệ còn rất ít, nhất là về lãi suất. Do đó điều hành chính sách tiền tệ cần thận trọng, gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an toàn hệ thống các TCTD.
Đại diện NHTM chia sẻ, ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn. Thực tế do sức cầu tiêu dùng ở những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam giảm nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa. Do đó, các ngân hàng đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành cần có thêm nhiều giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, khôi phục niềm tin thị trường... để nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Đánh giá tích cực việc các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay - yếu tố hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, tuy nhiên ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội (HANOISME) nhận định, nếu chỉ giảm lãi suất trong thời điểm hiện tại là chưa đủ. Để khôi phục và hỗ trợ doanh nghiệp quan trọng nhất là cơ quan quản lý tìm giải pháp kích cầu tiêu dùng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được. Tuy nhiên, về lâu dài, ngành Dệt may có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong "chuyển đổi xanh". Đại diện Hiệp hội đề xuất, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai…
TS. Trần Đình Thiên,Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Phải mở được thị trường cho doanh nghiệp Chưa bao giờ Chính phủ, các cấp, các ngành điều hành quyết liệt như thời gian vừa qua, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Rõ ràng là nền kinh tế đang ở trong trạng thái không bình thường. Trong bối cảnh đó, cần phải phân tích kỹ các nguyên nhân từ bên trong bộ máy hành chính cũng như cấu trúc của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam để nhận diện đúng và có biện pháp xoay chuyển. Vấn đề khó nhất đối với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề thị trường. Cho nên phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp. Thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được. Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp "khác thường". Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo. Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai. Trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ"… Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế. Nhưng khó mới cần phải làm. NHTM cho vay theo "khẩu vị rủi ro" Trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định. Đây là vấn đề rất quý. Bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đối với lĩnh vực bất động sản, đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Để phát triển phân khúc này cần có những chính sách để doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng Nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp chỉ lo xây và bán nhà. Về điều kiện cho vay, đây là quyền của các NHTM lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của mình, không nên bắt buộc.
Giải pháp tổng thể giải quyết bài toán vốn cho nền kinh tế Để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể toàn bộ nền kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng. Để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề. Trước tiên, về tư duy, không được đánh đồng giữa vai trò của NHNN và các NHTM. Từ tổng thể chung của nền kinh tế, cần có sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các chính sách tài chính với chính sách tiền tệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều chủ yếu liên quan đến lãi suất, cần nghiên cứu có giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa. Đối với tín dụng, cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của NHNN và hoạt động của các NHTM. NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các NHTM cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường. Bên cạnh đó, cần tính toán, đánh giá kỹ lưỡng để hướng dòng vốn vào những khu vực có khả năng phục hồi và phát triển, dẫn dắt nền kinh tế, đi đôi với các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh…
An toàn hệ thống, ổn định vĩ mô là nhiệm vụ quan trọng Tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính của tăng trưởng tín dụng chưa cao là do thị trường xuất khẩu giảm, nên doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất. Phải khẳng định, giải pháp giảm lãi suất là quan trọng, nhưng việc giữ an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng là yếu tố quan trọng không kém để hút các nguồn vốn nước ngoài trong thời gian tới. Hiện không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, do đó cần có những giải pháp tổng thể cả về tài khóa, hành chính để giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần chú ý các giải pháp liên quan đến khôi phục niềm tin thị trường, tiếp tục tăng cường các hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân tín dụng hộ kinh doanh, hướng dòng vốn tín dụng vào chuyển đổi xanh, các ngành hàng có triển vọng tốt như nông lâm, thủy sản, các ngành hàng xuất khẩu… Nhóm phóng viên lược ghi |