Cần kiểm soát chặt thương mại điện tử
Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử Ngành đồ uống có cồn tìm hướng đi mới trên sàn thương mại điện tử |
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT-Bộ Công Thương) cho biết, những nguyên nhân chủ quan được chỉ ra như hạn chế trong công tác theo dõi, xử lý các vụ việc nổi cộm có lúc còn bị động; việc phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh. Cùng với đó là các nguyên nhân khách quan khác khiến hoạt động thương mại điện tử đang còn nhiều lỗ hổng, vì đây là loại hình thương mại mới mang tính chất toàn cầu, phát triển nhanh chóng, có nhiều chủ thể tham gia với phương thức kinh doanh, thanh toán ngày càng đa dạng nhưng hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa tương thích và chưa điều chỉnh, hoàn thiện kịp so với yêu cầu thực tế về quản lý nhà nước và đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nhận thức còn kém và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.
Có tới 70% quy mô thương mại điện tử tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh |
Hiện thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ bao gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, hệ thống thanh toán trực tuyến an toàn, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát... Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Điều này là nền tảng để thương mại điện tử có thể tiếp tục phát triển trong năm 2024.
Tuy vậy, những vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cá nhân; hạ tầng logistics thương mại điện tử chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường; niềm tin của người tiêu dùng trong giao dịch trực tuyến…. vẫn là những bài toán cần tìm thêm phương án giải quyết của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.
Theo PGS-TS. Phạm Công Hiệp, quyền Phó trưởng khoa phụ trách Nghiên cứu và Đổi mới Đại học RMIT Việt Nam, để thương mại điện tử phát triển bứt phá hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo, cần sự chung tay của các bộ ngành, đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.
Bên cạnh đó, Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cũng đã và đang triển khai các giải pháp như xây dựng và vận hành Hệ thống Truy xuất nguồn gốc xuất xứ (Truyxuat.gov.vn) nhằm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng thương hiệu trực tuyến và tiếp thị sản phẩm trên môi trường điện tử; tạo lập Mô hình Flagship Store - Gian hàng địa phương trên các sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phân phối các sản phẩm thông qua nền tảng số, thu hẹp khoảng cách vùng miền; thiết kế Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới – Go Export nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và xuất khẩu thành công các sản phẩm trong nước qua nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới…
Ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, thương mại điện tử của Việt Nam cần phát triển dựa trên 3 trụ cột chính để hướng tới bền vững. Đó là khắc phục khoảng cách phát triển thị trường thương mại điện tử giữa nông thôn và thành thị hiện vẫn còn khá chênh lệch, khi có tới 70% quy mô thương mại điện tử tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực cho thương mại điện tử hiện đang thiếu trầm trọng; bảo vệ môi trường để hạn chế tối đa rác thải và phát thải.