Cần làm rõ khái niệm người tiêu dùng
Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Tuy nhiên Trưởng Phòng Dịch vụ Tư vấn Pháp chế - Ban Pháp chế và Tuân thủ NHTMCP An Bình (ABBANK) Nguyễn Văn Phúc cho biết, định nghĩa trên vẫn chưa làm rõ vấn đề “tổ chức” có phải là người tiêu dùng hay không. Đồng thời, cũng sẽ có bất cập ở chỗ, trường hợp cá nhân đại diện cho tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh cho mục đích phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tổ chức (người sử dụng) thì tổ chức đó không được bảo vệ mà người được bảo vệ lại là cá nhân đại diện tổ chức (người mua).
Một ví dụ thực tế tại ABBANK, ngân hàng mua bảo hiểm rủi ro của một Công ty bảo hiểm để nhằm phục vụ cho việc dự phòng rủi ro trong quá trình hoạt động. Khi phát sinh rủi ro, ABBANK yêu cầu Công ty bảo hiểm bồi thường theo Hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm đã viện dẫn một điều khoản quy định không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau trong Quy tắc bảo hiểm để từ chối bồi thường nên các bên phát sinh tranh chấp. ABBANK đã viện dẫn các quy định về việc giải thích Hợp đồng có lợi cho người tiêu dùng để đề nghị Cơ quan giải quyết tranh chấp giải thích theo hướng có lợi cho mình. Tuy nhiên, không được chấp thuận với lý do cho rằng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành không áp dụng đối với tổ chức. Từ phân tích này, ông Phúc đề nghị cần bổ sung khái niệm “Người mua, sử dụng” vào Dự thảo Nghị định theo hướng được hiểu bao gồm: tổ chức, cá nhân.
ABBANK cũng đề xuất, Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung hướng dẫn vào Dự thảo Nghị định về việc hoạt động nhận tiền gửi và cấp tín dụng của tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng không phải hoạt động mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì đây là hoạt động của ngân hàng, không phải hoạt động cung ứng dịch vụ, cũng không phải là hoạt động mua, bán hàng hóa, sản phẩm.
Cần làm rõ và điều chỉnh một số quy định cho phù hợp với thực tế để tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng |
Một vướng mắc khác đến từ Điểm c Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Khi người tiêu dùng dễ bị tổn thương có yêu cầu được bảo vệ kèm theo chứng cứ, tài liệu về việc quyền lợi của mình bị xâm hại, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ưu tiên tiếp nhận, xử lý và không chuyển yêu cầu của người tiêu dùng cho bên thứ ba giải quyết, trừ trường hợp bên thứ ba đó có nghĩa vụ liên quan…”. Tuy nhiên, đơn vị soạn thảo chưa làm rõ “bên thứ ba” có bao gồm các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không. Bởi lẽ, trong lĩnh vực ngân hàng phát sinh nhiều trường hợp lừa đảo, giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng, nên khi nhận được khiếu nại, tra soát của khách hàng (bao gồm cả người tiêu dùng dễ bị tổn thương) thì các ngân hàng cũng không có đủ chức năng, thẩm quyền để điều tra, xác minh và giải quyết mà phải chuyển thông tin cho cơ quan Công an xác minh, kết luận. Do đó, Ban soạn thảo cần bổ sung hướng dẫn theo hướng tổ chức, cá nhân kinh doanh được chuyển cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra, xác minh theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm đăng ký hợp đồng theo mẫu, ABBANK hiểu rằng, quy định này áp dụng đối với các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, với quy định tại Khoản 2 Điều 7 Dự thảo Nghị định có thể hiểu rằng tất cả các Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, kể cả những hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung không thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ chỉ được sử dụng khi hoàn thành đăng ký. Bởi vậy, đại diện ngân hàng đề xuất Cơ quan soạn thảo quy định Khoản 2 Điều 7 chỉ áp dụng đối với hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thuộc danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng bàn về khoản 2, Điều 7, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phân tích, quy định hiện tại chưa rõ khi ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi chưa hoàn thành việc đăng ký thì hậu quả pháp lý các bên tham gia giao dịch phải chịu là gì, có dẫn đến hợp đồng, giao dịch vô hiệu hay không. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ hậu quả pháp lý khi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được đưa vào giao kết, áp dụng khi chưa hoàn thành việc đăng ký.
Ông Phúc cũng cho rằng, quy định tại Khoản 3 Điều 12 Dự thảo “Trước ngày 31/01 hàng năm, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm gửi báo cáo tình hình áp dụng hàng năm hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đã đăng ký tới cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này” là khó thực thi. Bởi đây là giai đoạn các tổ chức tín dụng nói riêng, các doanh nghiệp nói chung đang thực hiện các loại báo cáo và thời gian này khá cận dịp nghỉ Tết Nguyên đán, thời gian eo hẹp sẽ dẫn đến chậm trễ. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh kéo dài mốc thời gian này cho phù hợp.
Đại diện ABBank cũng chỉ ra việc chưa hợp lý trong quy định Khoản 1 và Khoản 2 Điều 15 Dự thảo khi tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ được báo cáo, giải trình khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo về quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh hủy bỏ hoặc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bất cứ lúc nào phát hiện mà không có thời hạn cho tổ chức, cá nhân kinh doanh giải trình. Vì vậy, ngân hàng đề nghị điều chỉnh Khoản 1 và Khoản 2 Điều 15 Dự thảo theo hướng khi cơ quan quản lý nhà nước về bảo về quyền lợi người tiêu dùng phát hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ thông báo và cho tổ chức, cá nhân kinh doanh một khoảng thời gian hợp lý để báo cáo, cung cấp thông tin, giải trình làm rõ trước khi yêu cầu sửa, hủy bỏ.