Cần lập lại trật tự kinh doanh vật tư nông nghiệp
Tây Nguyên là khu vực phát triển mạnh ngành nông nghiệp, từ đây, hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp theo đó cũng phát triển. Tuy nhiên, nhiều đối tượng lợi dụng buôn bán vật tư không đúng chất lượng, gây thiệt hại cho người nông dân. Vật tư nông nghiệp kém chất lượng khiến cho nông dân thiệt đơn thiệt kép, vừa tốn chi phí mua, vừa không đạt hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.
Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức hội nghị tiếp xúc với cử tri các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Krông Ana (Đăk Lăk) trước kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị này, nhiều cử tri đã phản ánh vấn nạn phân bón kém chất lượng được mua bán trên địa bàn, gây thiệt hại cho bà con nông dân. Các đại biểu kiến nghị, cần tập trung kiểm tra chất lượng phân bón được tiêu thụ trên địa bàn.
Theo các nông dân tại Đăk Lăk, địa phương có diện tích cây nông nghiệp đứng hàng đầu các tỉnh Tây Nguyên và có rất nhiều các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Do rất khó nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng kém chất lượng, nên người nông dân dễ mua phải các sản phẩm kém chất lượng. Sự lũng đoạn thị trường của các mặt hàng này khiến nhiều nông dân phải lo lắng. Vậy nên, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để đẩy lùi vấn nạn này, để người nông dân giảm thiểu rủi ro mua phải sản phẩm vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
Không riêng tại Đăk Lăk, từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng đã phát hiện 72 cơ sở có hành vi vi phạm quy định về sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở này với số tiền 406 triệu đồng.
Cần đẩy lùi vấn nạn kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân |
Ngay từ đầu năm 2021, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Gia Lai về thanh, kiểm tra doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra về tình hình sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn. Qua đó, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm để xử lý theo pháp luật.
Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2021 đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh, kiểm tra 181/202 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong đó, 28 cơ sở không còn hoạt động, 38 cơ sở tạm dừng hoạt động, 115 cơ sở đang hoạt động. Qua kiểm tra trực tiếp tại 115 cơ sở đang hoạt động, đơn vị đã phát hiện 72 cơ sở có hành vi vi phạm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai quan tâm quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng giám sát chặt nguồn vật tư nông nghiệp. Các văn bản hướng dẫn về quản lý vật tư nông nghiệp ngày càng rõ ràng, mức xử lý vi phạm hành chính đủ sức răn đe.
Song song với công tác thanh, kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cũng đã tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai tiến hành kiểm tra 157 cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn, phát hiện 70 cơ sở vi phạm các quy định của Nhà nước, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 834 triệu đồng. Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 14 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, với tổng số 43,5 triệu đồng. Cùng đó, lực lượng chức năng đã tiến hành tịch thu 120 bao phân bón hết hạn sử dụng; buộc thu hồi để tái chế 488 bao phân bón không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; tiêu hủy 59 gói thuốc trừ cỏ nhãn hiệu BIOGLY 88.8SP và 10,8 lít thuốc trừ cỏ Haihadup 480SL...
Đơn cử như, qua công tác quản lý địa bàn và nắm bắt tình hình, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Hoa Thuận 2 tại thôn Plơi Pa Ama Lim 1, xã Chư Mố, huyện IaPa, tỉnh Gia Lai. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này có hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục mà Nhà nước cấm kinh doanh. Cụ thể, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang bày bán 15 chai thuốc bảo vệ thực vật (mỗi chai 900ml, tổng cộng 13,5 lít), trên nhãn sản phẩm ghi thuốc trừ cỏ hiệu Haihadup 480SL, do Công ty cổ phần GenTa Thụy Sỹ; địa chỉ 34 đường 6B, KDC Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh phân phối và chịu trách nhiệm đưa ra thị trường.
Đến nay, sự quyết liệt triển khai các biện pháp quản lý và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm vật tư nông nghiệp của ngành chức năng các địa phương góp giảm thiểu rủi ro đối với bà con nông dân, đẩy lùi vấn nạn kinh doanh hàng vật tư nông nghiệp kém chất lượng.
Song theo các chuyên gia, để giảm thiểu rủi ro cho người nông dân, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai giám sát các cơ sở vi phạm nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nhận biết mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng để không đưa vào buôn bán; khuyến khích kinh doanh các mặt hàng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt.