Cần mạnh tay hơn với hàng giả, hàng nhái
Đó là ý kiến được trao đổi tại Tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp cùng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức chiều ngày 28/10.
Hàng giả trên sàn thương mại điện tử gia tăng
Thông tin tại Tọa đàm, bà Đỗ Thị Minh Thủy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, theo số liệu thống kê 9 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu ngân sách nhà nước qua hoạt động đấu tranh nhập lậu thương mại và hàng giả đạt 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.
Tuy số lượng các vụ việc vi phạm bị phát hiện và xử lý có giảm so với cùng kỳ nhưng tính phức tạp tăng lên, đặc biệt vi phạm qua thương mại điện tử tăng lên nhanh chóng. Các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nổi lên là khẩu trang, thiết bị phòng chống dịch, thuốc điều trị COVID-19… đặc biệt phức tạp ở địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, các mặt hàng buôn lậu “truyền thống” như thuốc lá ngoại, đường cát, mỹ phẩm, tân dược vẫn diễn ra phức tạp tại các tỉnh, thành phố: Quảng Trị, Đà Nẵng, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Bình Phước, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang... tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ cũng được buôn bán tràn lan trên không gian mạng tại các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo…
Theo bà Thủy, sắp tới khi Chính phủ từng bước mở cửa kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh và đặc biệt Tết Nguyên đán đang đến gần, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái sẽ diễn biến phức tạp, nhiều khả năng hàng tồn, hàng kém chất lượng sẽ được tẩy xóa hạn sử dụng để đưa vào thị trường, tội phạm mạng sẽ gia tăng.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan cũng cho biết, trong thời gian qua, cơ quan hải quan đã có nhiều biện pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Các phương thức mới nổi lên được cơ quan chức năng nhận diện là: Một số doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam sau đó dán nhãn mác hàng hóa xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước ngoài; cũng có tình trạng hàng hóa đặt sẵn ở nước ngoài, ghi sẵn nhãn mác Việt Nam và xuất khẩu; hay tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện để gia công trong nước, nhưng sản phẩm nhập gần như hoàn chỉnh và xuất khẩu đi nước ngoài, theo tiêu chí xác định xuất xứ thì không đảm bảo; có doanh nghiệp không được Bộ Công Thương cấp C/O nhưng tự thiết kế mẫu C/O để cung cấp cho doanh nghiệp khác, sử dụng vào bộ hồ sơ hải quan để xuất khẩu hàng hóa; một số thì lợi dụng hình thức hàng quá cảnh, nhập khẩu hàng lậu qua đường mòn, lối mở…
Bổ sung thêm, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong thời điểm dịch bệnh, một số đối tượng lợi dụng qua đường chuyển phát nhanh và hàng cá nhân để gửi hàng lậu, chủ yếu là thực phẩm chức năng. Các thủ đoạn cũng tinh vi hơn, thay đổi liên tục, khó phát hiện.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Công ty Nhựa Tiền Phong chia sẻ, hiện trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái của Nhựa Tiền Phong đang rất nhức nhối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phân phối bán hàng của doanh nghiệp và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Sản phẩm làm giả thường có mẫu mã đẹp như sản phẩm thật nhưng chất lượng kém hơn, giá thành rẻ hơn. Do các thông tin, mẫu mã đều làm như sản phẩm thật nên người tiêu dùng khó phát hiện. Cũng có đại lý chạy theo lợi nhuận mà tiếp tay cho các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái.
Cần chế tài đủ mạnh
Dù gần 10 năm nay, Nhựa Tiền Phong đã có bộ phận chống hàng giả, hàng nhái riêng và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa xử lý triệt để được vấn nạn này.
Bản thân doanh nghiệp cũng có sự nghiên cứu để thay đổi công nghệ, bảo vệ sản phẩm nhưng công nghệ thay đổi hàng ngày, các đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh, ngay lập tức có thể sao chép.
Theo đó, đại diện Nhựa Tiền Phong cho rằng cần một chế tài đủ mạnh để có thể răn đe các đối tượng. Bởi lẽ, vấn nạn hàng giả nếu không được giải quyết triệt để sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đồng thời, nên có quy định rõ hơn về xác định xâm phạm quyền. Đơn cử như các đối tượng có thể thêm một ký tự khác trên sản phẩm thì đã không còn được coi là hàng giả mà chuyển sang xâm phạm quyền, tuy nhiên việc xác định xâm phạm quyền cũng rất khó, khiến doanh nghiệp tốn nhiều sức lực và tiền bạc để theo đuổi các vụ kiện.
Về vấn đề này, theo bà Đỗ Thị Minh Thủy, việc hoàn thiện các quy định pháp luật là yếu tố tiên quyết và quan trọng hàng đầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái. Trong đó, quy định quan trọng là xuất xứ hàng hóa, bởi lẽ vẫn đang lúng túng trong quy định thế nào là hàng Việt Nam.
Đồng thời về phía doanh nghiệp cũng cần tăng tính chủ động trong việc kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình. Thông qua việc sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến, tăng cường cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Khương cho rằng cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền với cơ quan chức năng, vì chính doanh nghiệp mới xác định được hàng giả, hàng nhái, tạo điều kiện cho cơ quan thực thi pháp luật.