Cần phối hợp quản lý thị trường vàng
Tỷ giá, vàng hạ nhiệt |
Thời gian vừa qua, một hoạt động thu hút sự quan tâm trên thị trường tiền tệ, ngoại hối đó là những phiên đấu thầu vàng miếng của NHNN. Ngày 23/4/2024, NHNN đã tổ chức phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau 11 năm tạm ngừng triển khai hoạt động này. Trong phiên này, có 2 thành viên trúng thầu với khối lượng 34 lô tương đương 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất: 81.330.000 đồng/lượng; Giá trúng thầu thấp nhất: 81.320.000 đồng/lượng. Sau phiên này, NHNN cũng thông báo tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng vào ngày 25/4. Nhưng phiên đấu thầu này không diễn ra như kế hoạch, NHNN buộc phải hủy đấu thầu do chỉ có 1 đơn vị đăng ký. Như vậy, trong tuần qua chỉ có 1 phiên đấu thầu vàng miếng thành công.
Ảnh minh họa |
Việc ít thành viên đăng ký tham gia đấu thầu vàng miếng, theo đánh giá của giới chuyên môn cũng là điều bình thường. Hiện tại giá vàng thế giới đang biến động mạnh, tăng - giảm thất thường nên các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn khi đấu thầu mua vàng, họ phải cân đối bài toán cung - cầu. Bởi các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều muốn mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Vì nếu để tồn kho một khối lượng vàng giá cao trong bối cảnh giá vàng thế giới biến động mạnh như vậy là rủi ro không nhỏ cho doanh nghiệp.
Giới chuyên môn đánh giá, việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng là đúng, kịp thời. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) chênh lệch giá vàng không phải chuyện lớn, mà quan trọng là công tác quản lý thị trường thế nào. Hiện nay chủ yếu trên thị trường chỉ thông tin về giá vàng nhưng không có thống kê nào thể hiện được khối lượng giao dịch mua - bán ra của các nhà vàng là bao nhiêu. Để đánh giá chính xác diễn biến thị trường vàng ra sao, có thực sự khan cung hay không thì phải có khối lượng giao dịch cụ thể.
“Tất cả các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ. Nếu quản lý chặt chẽ khối lượng giao dịch của các điểm giao dịch vàng thì lúc đó sẽ không có tình trạng thao túng. Với công nghệ hiện nay thì tất cả khối lượng bán ra ở các cửa hàng đều có máy cập nhật, không quá khó để thống kê. Làm được việc này sẽ triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng. Khi nào nhu cầu vàng SJC quá lớn, nhà nước tổ chức đấu thầu để bình ổn và ngăn trục lợi”, đại biểu Phạm Văn Thịnh nêu quan điểm.
Theo một chuyên gia, để ổn định thị trường vàng và tránh những biến động giá không mong muốn thì sự can thiệp kịp thời từ phía NHNN và các cơ quan quản lý liên quan là rất cần thiết. Chẳng hạn, tăng cung qua đấu thầu vàng miếng mà NHNN đang thực hiện. Ngoài ra, cần có những biện pháp để giảm tâm lý kỳ vọng của thị trường, tránh tạo ra những cơn sốt giá vàng không dựa trên cơ sở kinh tế vững chắc.
Cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 160, đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý thị trường, mới đây, NHNN đã có văn bản gửi tới các Bộ: Tài chính, Công an, Công thương về việc phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao tại các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Một nội dung quan trọng được NHNN đề cập trong văn bản 3102 là đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu các tổ chức kinh doanh mua, bán vàng, nhất là kinh doanh mua, bán vàng miếng thực hiện nghiêm việc áp dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch…
Liên quan đến giá vàng, nhất là vàng miếng, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét công tác quản lý, điều hành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý mặt hàng vàng. Trước mắt phải đảm bảo cung cầu, giá hợp lý, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng để có cơ chế phù hợp, ổn định kinh tế vĩ mô và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Việc sửa đổi chính sách quản lý thị trường vàng theo nhận định chung là cần thiết, nhưng phải được tiến hành một cách thận trọng. Mọi thay đổi chính sách đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng về mặt pháp lý và kinh tế, tránh gây ra những hậu quả không lường trước được. Bởi sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến thị trường vàng mà còn có thể tác động đến kinh tế vĩ mô như gây thêm áp lực lên tỷ giá (nếu cầu ngoại tệ nhập vàng tăng) đặc biệt trong giai đoạn hiện nay tỷ giá đang chịu nhiều sức ép… Do đó, khi sửa đổi chính sách quản lý thị trường vàng cần được tiếp cận một cách toàn diện và đa chiều.