Cần quy hoạch tổng thể thị trường điện khí
Cần giải pháp đột phá cho ngành khí Để thị trường khí Việt Nam phát triển bền vững Phát triển điện khí LNG là xu hướng tất yếu |
Quang cảnh “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”. |
Ngày 22/11, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức “Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam” với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng”.
Ưu điểm của điện khí LNG
Theo Quy hoạch điện 8, đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%). Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.
Theo ông Bùi Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, nguyên tắc phát triển điện lực là ưu tiên sử dụng hết lượng khí khai thác trong nước có thể cung cấp được cho sản xuất điện để tăng tính tự chủ trong sản xuất điện, chuyển dần sang đốt kèm nhiên liệu hydrogen khi công nghệ được chứng thực. Nâng cao tính tự chủ của ngành điện, giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nước ngoài đối với nhiên liệu sơ cấp.
Theo Bộ Công Thương, những năm gần đây, nhu cầu LNG trên thế giới tăng với mức bình quân 6,3%/năm, công suất LNG trên thế giới tăng từ 340 triệu tấn/năm (năm 2017) lên 453 triệu tấn/năm vào năm 2022. Tại Việt Nam, theo tính toán, nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ tăng lên, đạt khoảng 14 -18 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỉ m3 vào năm 2045.
Ông Bùi Quốc Hùng nhấn mạnh, mặt thuận lợi cho điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam.
Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.
Ưu điểm của loại hình điện khí LNG là đảm bảo cấp điện ổn định và giảm thiểu tác động tới môi trường. Nhà máy nhiệt điện khí với khả năng chạy phủ đỉnh sẽ là nguồn công suất cần thiết để bổ trợ cho các nguồn điện tái tạo không ổn định. Điện khí LNG có khả năng đạt hơn 90% hệ số công suất khi cần thiết, không gặp phải tình trạng gián đoạn và phụ thuộc vào thiên nhiên như điện gió hay điện mặt trời.
Ông Hùng cũng nhìn nhận, điện khí là nguồn điện lớn có khả năng vận hành ổn định, hiệu suất cao (có thể đạt trên 62%) có khả năng bù đắp thiếu hụt công suất tức thời cho hệ thống (trong trường hợp các nguồn năng lượng tái tạo dừng phát điện) do các nhà máy điện khí có khả năng khởi động nhanh.
Điện khí có nhiều ưu điểm trong việc giảm phát thải khí CO2 và NOx (giảm khoảng 40% khí CO2 và khoảng 90% khí NOx so với các nhà máy nhiệt điện than và dầu) xả ra môi trường, không thải bụi và là nguồn điện chạy nền có khả năng thay thế toàn bộ các nhà máy nhiệt điện than trong tương lai.
Cùng với đó, việc có nhiều địa điểm thuận lợi về mặt hạ tầng để phát triển các dự án LNG tại Việt Nam là một trong những lợi thế để có thể hình thành các trung tâm nhiệt điện sử dụng LNG quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương trong tương lai.
Theo thống kê, hiện các địa phương trên cả nước đã đề xuất phát triển khoảng 140.000 MW (tập trung chủ yếu tại miền Trung và miền Nam) với khoảng hơn 30 vị trí trải dài từ Bắc vào Nam.
Khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh
Theo ông Bùi Quốc Hùng, Việt Nam hiện cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG cho điện ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
"Trong những năm qua, giá LNG đã có nhiều biến động rất lớn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chiến sự giữa Nga và Ukraine. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của các thị trường nhạy cảm về giá như Việt Nam nếu không có các hỗ trợ hợp lý trong các điều kiện đặc thù", ông Bùi Quốc Hùng chia sẻ.
PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, cho rằng việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất về giá. Đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước.
Theo TS Ngô Trí Long, cần nghiên cứu thành lập một hoặc một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện. Đầu mối này phải được quản lý và giám sát của Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.
"Cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước. Sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG", PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.
Ông Nguyễn Hùng Dũng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dầu khí Việt Nam cũng mong muốn, phát triển thị trường khí cần quy hoạch tổng thể, có chiến lược dài hơi. “Điện khí là xu hướng tất yếu. Do đó, phải có cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo cho các nhà đầu tư yên tâm”, ông đề nghị.
Ông Bùi Quốc Hùng cũng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.
“Cần có tiêu chuẩn và chứng chỉ để đảm bảo rằng thiết bị được sản xuất hoặc mua sắm từ nước ngoài phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành”, ông Hùng nói.