Cần tái cấu trúc Quỹ bảo lãnh tín dụng
Bộ Tài chính vừa tổng kết 4 năm hoạt động của hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng dành cho DNNVV thực hiện theo Nghị định 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, hiện nay cả nước có 25 Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV (Quỹ bảo lãnh) đang hoạt động. Khi Nghị định 34 chính thức có hiệu lực, hoạt động huy động vốn của các quỹ này thông thoáng hơn vì họ được phép huy động vốn từ các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước và huy động các nguồn lực xã hội hóa, bên cạnh các khoản từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên đến hiện tại, quy mô vốn điều lệ của hầu hết các Quỹ bảo lãnh đều hạn chế. Trong số 25 quỹ đang hoạt động thì chỉ có 10 quỹ có vốn điều lệ đạt trên 100 tỷ đồng. Nhiều quỹ tại các địa phương khó khăn, vốn điều lệ chỉ đạt 4 -10 tỷ đồng. Vì vậy năng lực và hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là rất thấp.
Ông Nguyễn Việt Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng - Bộ Tài chính cho biết, tính lũy kế từ 2002 đến cuối năm 2021, doanh số bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh trên toàn quốc mới đạt khoảng gần 4.770 tỷ đồng với khoảng trên 2.450 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các TCTD. Con số này là quá nhỏ so với nhu cầu bảo lãnh của cộng đồng DNNVV với khoảng 870.000 DN ở các lĩnh vực ngành nghề.
Cần đẩy mạnh bảo lãnh tín chấp |
Các chuyên gia tại Dự án thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối DNNVV (USAID LinkSME) nhận định, mặc dù pháp lý cho việc huy động vốn, mở rộng quy mô của các Quỹ bảo lãnh đã khá rộng mở, nhưng trên thực tế không nhiều quỹ nhận được đầu tư từ các nguồn xã hội hóa. Mô hình quản lý và năng lực chuyên môn của các Quỹ bảo lãnh chưa đồng đều và chuyên nghiệp hóa nên khả năng bảo lãnh vay vốn cho DN bị hạn chế. Nghị định 34 được cho là “cởi trói” cho các Quỹ bảo lãnh, nhưng thực tế các quy định về bảo lãnh lại quá khắt khe.
Theo đó, các Quỹ bảo lãnh buộc phải thực hiện các biện pháp đảm bảo, bảo toàn nguồn vốn khi cấp các hợp đồng bảo lãnh và DN chỉ được Quỹ bảo lãnh xem xét cấp bảo lãnh khi có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư. Đặc biệt, bên vay phải có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn. Vì thế, ngay cả khi Quỹ bảo lãnh có thể đủ năng lực bảo lãnh thì cũng có rất ít DN đáp ứng đủ các điều kiện để nhận bảo lãnh và nếu có đủ điều kiện, thì DN sẽ “gõ cửa” thẳng các ngân hàng.
Để xốc lại năng lực của các Quỹ bảo lãnh, ông Phạm Phan Dũng, chuyên gia tư vấn Dự án USAID LinkSME cho rằng, sau bốn năm triển khai Nghị định 34, hiện nay đã bộc lộ khá nhiều bất cập. Vì thế Chính phủ nên giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc NHNN phối hợp xây dựng hệ số tín nhiệm của các DNNVV, tạo thành hệ thống dữ liệu chung để các Quỹ bảo lãnh khai thác. Theo ông Dũng, hiện nay các NHTM đã có hệ thống thẩm định tín dụng có thể đánh giá mức độ tín nhiệm của các DNNVV mà quỹ có thể bảo lãnh. Nếu NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng phối hợp với các Quỹ bảo lãnh trong việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu về hệ số tín nhiệm của các DNNVV sẽ mở rộng hơn được số lượng các DN được các quỹ bảo lãnh vay vốn, đồng thời tránh được sự chồng chéo đối với việc thẩm định khoản vay giữa Quỹ bảo lãnh và các ngân hàng.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho rằng, bản thân hệ thống Quỹ bảo lãnh đã đến lúc phải tái cấu trúc cho phù hợp với thực tiễn. Theo đó, về pháp lý cần phải xây dựng theo hướng thông thoáng hơn. Quỹ bảo lãnh nên được hình thành và trực thuộc trực tiếp Chính phủ, không thuộc bộ ngành nào. Thậm chí có thể thành lập Cục chính sách DNNVV để quản lý, có tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro, hệ thống xếp hạng tín dụng để đánh giá các DN. Khi Quỹ bảo lãnh thực hiện bảo lãnh thì nên xây dựng cơ chế gần như tín chấp hoàn toàn cho các DNNVV, tỷ lệ thế chấp rất nhỏ và không thể hủy ngang. Vốn đối ứng của DN cho phương án, dự án vay vốn khoảng 20%, nếu có tài sản đảm bảo thì chỉ chiếm khoảng 20-30%. “Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, các Quỹ bảo lãnh phải công khai, minh bạch trong việc thu phí bảo lãnh. Mức phí tiếp cận dịch vụ bảo lãnh chấp nhận được là khoảng 2%”, ông Hòe đề xuất.
Theo đề xuất của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, Hiệp hội DN du lịch Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chính phủ nên thành lập một Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia với quy mô vốn điều lệ khoảng 1.000 tỷ đồng. Quỹ này sẽ sử dụng ngân sách Trung ương để bảo lãnh vay vốn cho DNNVV. Các Quỹ bảo lãnh tại các địa phương nên sắp xếp lại thành chi nhánh trực thuộc quỹ Trung ương để hợp nhất sức mạnh. Đồng thời ngân sách Trung ương cần nghiên cứu, thu xếp bổ sung nguồn lực từ các quỹ dự trữ khác nhau, hoặc từ một phần tái cấp vốn của NHNN để hỗ trợ Quỹ bảo lãnh. Từ đó tăng quy mô vốn điều lệ để hệ thống quỹ này hoạt động hiệu quả hơn.