Cần thay đổi cách tiếp cận về OCOP
Có hơn 9.852 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao trở lên
Theo đó hiện nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao, 32,2% sản phẩm 4 sao, 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận).
Hiện nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. |
Cả nước có có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX, 24,4% là doanh nghiệp, 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước),vùng miền núi phía Bắc (chiếm 19,8%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 18,4%).
Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP 5 sao đã được Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng, lựa chọn làm quà tặng trong các hội nghị quan trọng và các chuyến công tác nước ngoài; đồng thời, được một số bộ, ngành sử dụng làm quà tặng đại biểu trong các hội nghị của ngành.
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Căn cứ Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 25/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp tỉnh và hướng dẫn phân cấp đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cho cấp huyện.
Ở cấp Trung ương, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các bộ để kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Cùng với đó, hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại tiếp tục được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tham gia các hội chợ quốc tế tại Thái Lan, Châu Âu, Nhật Bản; Tổ chức các diễn đàn/hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP. Đặc biệt, các địa phương như: Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang,... đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; kết nối và quảng bá, thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, thương mại điện tử...
Các hoạt động đã được tổ chức thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau, góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị trường.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, cụ thể là góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường… góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Thay đổi cách tiếp cận về OCOP
Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, tồn tại của Chương trình OCOP sau hơn 5 năm triển khai.
Cụ thể, số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững, một số địa phương còn chạy theo thành tích, tập trung vào những sản phẩm đã được hình thành, không phải là các sản phẩm có lợi thế; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm, nâng cao năng lực thực sự của chủ thể (về quản trị, tổ chức sản xuất, năng lực thị trường…); hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ…
Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cho biết thực tế hiện nay, quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ. Sản phẩm tạo ra mới chủ yếu ở dạng thô. Do đó, chỉ có một số ít các sản phẩm vào được kênh phân phối hiện đại hoặc xuất khẩu, còn lại tới hơn 70% sản phẩm được tiêu thụ qua các kênh truyền thống. Thậm chí, nhiều sản phẩm loay hoay không tìm được đầu ra.
Cũng theo ông Đức, một sản phẩm OCOP muốn có chỗ đứng trên thị trường thì trước hết các chủ thể phải xác định được đây có phải là sản phẩm đặc trưng riêng của vùng, miền không; tiếp đến là sản xuất sản lượng ổn định; và cuối cùng chính là khâu thiết kế mẫu mã, bao bì cho sản phẩm.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc gắn thương hiệu OCOP cho một số sản phẩm vẫn chưa đúng bản chất, khiến các sản phẩm OCOP “vàng, thau lẫn lộn”. Nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách đạt sao như một tấm “hộ chiếu” thông hành cho sản phẩm, dẫn đến nhiều sản phẩm đã được gắn sao, được quảng bá rầm rộ, chạy theo phong trào, nhưng sức tiêu thụ rất thấp, khiến cho sản phẩm khó đứng vững trên thị trường.
Để chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cấp, ngành, địa phương sẽ tăng cường tuyên truyền, chuyển đổi tư duy và nâng cao năng lực cho các chủ thể OCOP; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế và theo yêu cầu của thị trường; triển khai hiệu quả xây dựng các mô hình thí điểm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại; đồng thời, xây dựng và quản lý đồng bộ và hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam; tập trung, ưu tiên thị trường trong nước; Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao chất lượng đánh giá, phân hạng và tăng cường kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để nâng giá trị của các sản phẩm OCOP cần thay đổi cách tiếp cận về OCOP, về du lịch nông thôn để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP.
“Để giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, thực chất nhất là chương trình OCOP cần tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê”, bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sắp tới sẽ thay đổi lại thang chấm điểm sản phẩm OCOP, chất lượng bao bì là một tiêu chí nhưng cũng cần tính tới tiêu chí cộng đồng của sản phẩm với sự tham gia của nhiều người, hồi sinh năng lực, tạo ra thu nhập cho cả cộng đồng. Cùng với đó, chúng ta cần phải chứng minh được tính thương mại hóa, thị trường hóa của sản phẩm OCOP, gắn với tiêu chí về môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.