Cần thêm cơ chế thúc đẩy tín dụng xanh
Quyết tâm thúc đẩy tín dụng xanh Ngân hàng trước trách nhiệm xanh hóa hoạt động cho phát triển bền vững Ngân hàng gấp rút vào cuộc cho vay xanh |
Ông có nhận định thế nào về tín dụng xanh tại Việt Nam hiện nay?
Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng tất yếu trên thế giới và cả ở Việt Nam. Chính phủ đã thể hiện cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26 và gần đây là tiếp nối tại COP28. Thời gian qua, Chính phủ cùng các ngành đã khẩn trương cụ thể hóa cam kết trên.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân |
Ngân hàng giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy để đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh tế xanh, nguồn vốn của các TCTD đóng vai trò rất quan trọng. Trong những năm gần đây, nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, các TCTD đã tích cực đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh.
Theo thống kê, có 43 TCTD ở Việt Nam tham gia hoạt động cấp tín dụng xanh. Hiện nay cho vay các dự án xanh đã trở thành trọng tâm chiến lược của các ngân hàng. Nhiều TCTD đã ban hành quy định nội bộ về rủi ro môi trường và tác động xã hội. Theo thống kê, khoảng 80 - 90% ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc toàn bộ ESG trong hoạt động; gần 50% thành lập bộ phận quản trị rủi ro cho bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các nhà băng cũng tích cực tiếp cận với nguồn vốn quốc tế để cho vay lĩnh vực xanh.
Tuy nhiên, so với kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh hiện nay chưa cao, mới chiếm 4,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Như vậy còn cách khá xa mục tiêu 10% vào cuối năm 2025.
Nguyên nhân nào dẫn đến tăng trưởng tín dụng xanh còn khá khiêm tốn, thưa ông?
Những dự án xanh ở Việt Nam tuy đã phát triển nhưng vẫn còn khiêm tốn. Các chính sách khuyến khích kinh tế xanh chưa thực sự tạo động lực để doanh nghiệp phát triển dự án. Vì thế, nguồn dự án để các TCTD tiếp cận cho vay cũng có phần hạn chế.
Về phía các TCTD cũng đối mặt nhiều khó khăn để đẩy mạnh tín dụng xanh. Đầu tiên đó là thời gian cho vay dự án xanh dài, quy mô vốn lại lớn, có thể gặp rủi ro chính sách. Đơn cử như với các dự án năng lượng tái tạo, phải đầu tư rất nhiều, tính mạo hiểm của dự án cao…
Cơ chế để khuyến khích các TCTD đầu tư vào lĩnh vực này cũng chưa nhiều. Ví dụ, chưa có cơ chế ghi nhận trong quá trình đánh giá, xếp hạng đối với TCTD có thành tích tốt trong hoạt động cấp tín dụng xanh, cũng như vấn đề hỗ trợ nguồn vốn, tiếp cận nguồn vốn để khuyến khích các TCTD đẩy mạnh tín dụng xanh. Ngoài ra, các TCTD cũng gặp khó khi kiến thức, kinh nghiệm của cán bộ thực hiện công tác thẩm định và phê duyệt cấp tín dụng liên quan các vấn đề môi trường xã hội nhìn chung còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn còn TCTD chậm triển khai, chưa xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, chưa có đơn vị, bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro với mảng này…
Vậy, theo ông cần có những chính sách như thế nào để thúc đẩy tín dụng xanh?
Thời gian tới, cần có cơ chế và chính sách khuyến khích cho lĩnh vực xanh, tín dụng xanh. Có thể cân nhắc nhiều biện pháp khuyến khích về thời hạn, chi phí vốn vay, ưu tiên khi xét room tín dụng… Đồng thời, sớm hoàn thiện khung pháp lý, chính sách tổng thể liên quan đến triển khai tài chính bền vững nói chung và tín dụng xanh nói riêng. Nhiều TCTD chưa triển khai tốt do chưa có danh mục về phân loại dự án xanh để làm căn cứ cho vay.
Các TCTD, phải có chính sách và chiến lược về tín dụng xanh riêng biệt, đa dạng hóa sản phẩm, tích hợp các rủi ro môi trường vào khung quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường xã hội đồng bộ để công bố thông tin minh bạch, nâng cao năng lực cho nhân viên, thực hiện các mô hình chịu đựng các rủi ro khí hậu...
Về dài hạn, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu xanh, tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh. Từ đó vừa tránh phụ thuộc vừa giảm gánh nặng quá lớn vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!