Cần thêm ưu đãi để xanh hóa ngành ô tô
Giá bán hợp lý, nuôi nhẹ ví, VF 6 là lựa chọn hàng đầu phân khúc B-SUV |
Chính sách chưa hấp dẫn
GDP của Việt Nam luôn tăng trưởng ở mức cao và ổn định, thu nhập của người dân cũng tăng dần lên, hạ tầng phát triển rất nhanh. Dự báo, thị trường xe ô tô nói chung và xe ô tô điện sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới với dư địa rất lớn.
Có thể nói rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện. Hiện Bộ Giao thông-Vận tải đã đề xuất nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển xe điện nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải môi trường. Tuy nhiên việc chuyển đổi, phát triển giao thông xanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quy định, quy chuẩn chính sách thu hút đầu tư phát triển giao thông xanh, xe điện chưa hấp dẫn. Các vấn đề bao gồm quy hoạch trạm sạc tại các đô thị chưa hợp lý, các thủ tục pháp lý, quy trình hướng dẫn đầu tư trạm sạc, phòng cháy chữa cháy, mạng lưới điện chưa được đồng bộ; chính sách hỗ trợ người tiêu dùng chuyển đổi từ xe xăng sang sử dụng xe điện còn ít, hạ tầng trạm sạc rất ít.
Cụ thể, theo ông Lực, hiện nay, thuế nhập khẩu đối với xe hybrid còn rất cao. Bên cạnh đó, chưa có chính sách thu hút phát triển trạm sạc. Các quy định đầu tư, phát triển trạm sạc chưa được rõ ràng, cụ thể. Việc tìm chỗ làm trạm sạc cũng rất khó khăn, đặc biệt ở các trung tâm, thành phố lớn.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Thái - Phó tổng giám đốc Công ty ATS cho biết, xe điện là hộ tiêu thụ điện hoàn toàn mới, từ trước đến giờ chưa có. Do đó, phải đưa vào quy hoạch năng lượng quốc gia trong mục điện khí hóa ngành giao thông. Một số báo cáo cho thấy, năm 2023, tại Việt Nam, cứ 5 xe ô tô bán ra thì có 1 xe điện. Theo tính toán của một số tổ chức, nếu xe điện chiếm 25% số lượng xe đang vận hành sẽ làm cho phụ tải của hệ thống điện tăng lên 30%. Số lượng xe điện sẽ tăng lên khoảng 12 lần so với hiện nay vào năm 2035.
Ô tô "xanh" đang có cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ |
Cần có quy hoạch xây dựng trạm sạc
Theo ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), để xanh hóa ngành ô tô, cần lộ trình phát triển hợp lý theo từng giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu, cần kích cầu trên thị trường với các chính sách ưu đãi hợp lý cho các dòng xe, hỗ trợ quy định tiêu chuẩn phát triển, tiêu chuẩn về hỗ trợ trạm sạc, mạng lưới sạc nhanh hoặc sạc tại nhà, hỗ trợ cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Giai đoạn tiếp theo sẽ giảm bớt hỗ trợ cho dòng xe HEV (xe Hybrid) và PHEV (xe Hybrid sạc ngoài) và vẫn duy trì những hỗ trợ tài chính cho hệ thống sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho rằng, sử dụng ô tô giảm phát thải khí nhà kính có tác dụng làm sạch môi trường, giảm cả khói bụi carbon và tiếng ồn, tuy nhiên chi phí đầu tư cho loại hình công nghiệp này khá lớn. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ với một chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành cơ khí chế tạo lưỡng dụng cho cả kinh tế tiêu dùng và quốc phòng. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí cầu đường, cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí hợp lý.
Để giải bài toán xanh hóa ngành ô tô, ông Võ Minh Lực cho rằng, Việt Nam cần phải có chính sách thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, phân phối xe năng lượng mới mạnh mẽ hơn: "Liên quan tới các quy định, quy chuẩn, các quy trình đầu tư trạm sạc, cần thống nhất chung một bộ tiêu chuẩn hay quy trình để cho nhà đầu tư nắm được. Đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, cần có quy hoạch quỹ đất cho trạm sạc".