Can thiệp sớm cần thiết để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng
Thế nhưng ngay cả với những ngân hàng tưởng chừng như “ổn hơn mức bình thường”, với tổng tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD ấy, rủi ro vẫn có thể xảy ra. Và rủi ro cụ thể ở đây dẫn đến vụ việc hai ngân hàng trên sụp đổ là khách hàng rút tiền gửi hàng loạt.
Đây có thể xem là những trường hợp điển hình, là những ví dụ thực tế và cập nhật nhất để cho thấy, vì nhiều lý do khác nhau, một ngân hàng bình thường, chưa nói đến những tổ chức tín dụng thuộc diện “yếu kém” có thể đối mặt với những tình huống bất thường và xấu đi rất nhanh, đòi hòi sự can thiệp sớm để tránh hệ lụy với cả hệ thống là cần thiết.
Tại Việt Nam, Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi mà Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét dành một chương (Chương VIII, gồm 05 Mục, 16 Điều) để quy định về vấn đề can thiệp sớm tổ chức tín dụng. Mục đích đảm bảo có cơ chế (được luật hóa) để ứng phó kịp thời với các rủi ro lớn phát sinh, như trường hợp một tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống. Điều này vừa hỗ trợ cho chính tổ chức tín dụng bị can thiệp sớm có cơ hội thoát khỏi nguy cơ xấu hơn, đồng thời giúp hóa giải rủi ro lây lan ra cả hệ thống và nền kinh tế mà sẽ rất tốn kém về nguồn lực và thời gian để khắc phục một khi “đám cháy” đã lan rộng.
Ngân hàng Nhà nước là “bên cho vay cuối cùng” |
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và các quy định như hiện nay, không dễ để NHNN có thể hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng một cách nhanh, dứt khoát và hiệu quả. Dẫn kinh nghiệm các nước như Thụy Sỹ, Mỹ (nơi có các trường hợp ngân hàng đổ vỡ gần đây), chuyên gia này cho rằng, sở dĩ họ có phản ứng, giải quyết vấn đề rất nhanh vì đã có những cơ chế, quy định được luật hóa trong các luật khác nhau. “Để xử lý được các vụ việc chỉ trong một vài ngày như vậy, họ phải có sẵn cơ chế được luật hóa, có những khuôn khổ sẵn sàng cho các quyết định nhanh khi gặp tình huống phát sinh”, TS. Bình nói và khẳng định: “Thời gian vừa qua, từ những vụ việc trên thế giới và trong nước cho thấy cần phải có các biện pháp “dập lửa” ngay lập tức là rất cần thiết. Do đó, việc xây dựng cơ chế can thiệp sớm như trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay là rất cần thiết, không có gì phải bàn cãi”.
Nhanh, kịp thời; đúng liều lượng; hiệu quả
Tiếp cận ở góc độ khác, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, vấn đề kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ba yếu tố: Khả năng tự kiểm soát rủi ro của chính các tổ chức tín dụng; Công tác quản lý giám sát và can thiệp của NHNN; Cơ chế phối kết hợp với các bên liên quan. Đây cũng là những yếu tố mà Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi cần phải làm rõ. “Tôi thấy trong Dự thảo Luật đã làm rõ hơn về yêu cầu đối với kiểm soát rủi ro của bản thân từng tổ chức tín dụng, trong đó nhấn mạnh vai trò của cổ đông, các nhà quản trị ngân hàng. Bên cạnh đó, với vai trò của NHNN, dự thảo cũng đã nêu ra các phương án, phương pháp can thiệp cũng như quy trình của từng phương án”, chuyên gia này nói.
TS. Cấn Văn Lực cũng thống nhất với dự thảo Luật về nội dung can thiệp sớm khi nhấn mạnh: “Cảnh báo sớm và can thiệp sớm là rất quan trọng vì đây là một biện pháp để ngăn chặn rủi ro trước khi tình huống xấu, tồi tệ hơn xảy ra. Quan điểm của tôi là những can thiệp sớm cần phải đảm bảo ba yêu cầu: Nhanh, kịp thời; Đúng liều lượng và hiệu quả”. Chuyên gia này cho rằng, muốn đảm bảo được các yêu cầu trên thì một trong những yếu tố rất quan trọng là cần trao đủ thẩm quyền cho NHNN. “Bởi chúng ta hình dung khi có tình huống rất xấu xảy ra với một tổ chức tín dụng mà lúc đó mới đi xin ý kiến của các bộ, ngành, của Chính phủ rồi lại họp hành... thì thời gian kéo dài và sẽ dẫn đến xử lý vấn đề quá muộn, hệ lụy sẽ lớn hơn”.
Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho rằng phải xây dựng được quy trình về vai trò NHNN là “bên cho vay cuối cùng” (cho vay đặc biệt). “Trên thế giới, đấy là vai trò đương nhiên - chức năng thứ ba - của NHTW. Nên bây giờ chúng ta luật hóa vấn đề này là rất cần thiết”, TS. Lực nói. Ngoài ra, cũng như TS. Lê Duy Bình đã đề cập, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng khung cơ chế xử lý khủng hoảng. “Sở dĩ những vụ việc ngân hàng ở Mỹ vừa rồi cơ quan quản lý xử lý nhanh được là vì họ đã có sẵn khung cơ chế để hành động. Như vậy khi xây dựng được khung đó rồi, trường hợp xảy ra khủng hoảng thì chúng ta theo đúng khung quy trình đã có để xử lý. Còn mỗi lần lại đi xin ý kiến thì sẽ chậm và nguy cơ xảy ra đổ vỡ lan truyền hệ thống sẽ rất cao”, TS. Lực nói.
Mới đây tại thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tham gia ý kiến về nội dung can thiệp sớm. Trong phát biểu tiếp thu và giải trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, với một tổ chức tín dụng trong quá trình hoạt động do những yếu tố khách quan và chủ quan sẽ có những thời điểm, giai đoạn có thể gặp khó khăn. “Trong quá trình thanh tra, giám sát cơ quan quản lý sẽ cảnh báo rủi ro và để các tổ chức tín dụng chấn chỉnh kịp thời. Còn nếu như các tổ chức tín dụng có những diễn biến xấu hơn và có nguy cơ mất khả năng chi trả cho người dân thì mức độ quản lý của cơ quan quản lý sẽ cần mạnh hơn và thông qua quá trình can thiệp sớm”, Thống đốc cho biết.
Thống đốc nhấn mạnh, trong quá trình can thiệp sớm, trước hết phải là trách nhiệm của các cổ đông và chủ sở hữu của ngân hàng trong việc xây dựng phương án để khắc phục khó khăn và cơ quan quản lý sẽ đưa ra những hạn chế trong hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn này cần các giải pháp hỗ trợ. Trong Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành đã có quy định can thiệp sớm, nhưng quy định thời hạn có 1 năm, là rất ngắn và không quy định các biện pháp hỗ trợ, cho nên trong thực tiễn rất khó triển khai. Dự thảo Luật lần này có quy định các biện pháp hỗ trợ, trong đó có cả hỗ trợ từ NHNN với vai trò là người cho vay cuối cùng để đáp ứng nhu cầu chi trả cho người dân, cũng như huy động được nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác, từ Bảo hiểm Tiền gửi và từ Ngân hàng Hợp tác xã.
“Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thiết kế theo hướng huy động nguồn lực để hỗ trợ, qua đó để tăng trách nhiệm của các tổ chức tín dụng đối với an toàn hệ thống nói chung và cũng để giảm chi phí tài chính cho cơ quan quản lý trong việc xử lý những vấn đề sự cố của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc nói. Cũng dẫn lại trường hợp các vụ việc của Silicon Valley Bank và First Republic Bank của Mỹ gần đây, Thống đốc cho biết, một ngân hàng bình thường vẫn có thể có những lý do nào đó dẫn đến nguy cơ bị rút tiền hàng loạt và đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào quá trình can thiệp sớm của dự thảo Luật. “Còn thực sự chờ đến lúc tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt là giai đoạn rất khó khăn mới thực hiện các giải pháp hỗ trợ thì khó có thể đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, Thống đốc nhấn mạnh.