Cần tiếp tục nâng cao năng suất lao động qua áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi mô hình phát triển
Việt Nam dự kiến sẽ chủ yếu là đô thị vào năm 2030 - Ảnh: Jamesteohart/Shutterstock |
Phát triển gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên
Khi góp ý với Chính phủ Việt Nam về bản dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, ông Jacques Moriset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam WB cho biết, nhóm chuyên gia của WB đã đánh giá cao bản dự thảo Chiến lược này vì đã đưa ra một tuyên bố về tầm nhìn được trình bày rõ ràng và đã lựa chọn đúng đắn các định hướng và giải pháp để đạt được những mục tiêu này trong giai đoạn 2021-2030.
Các định hướng và quan điểm Chiến lược ở tầm vĩ mô được xây dựng dựa trên những bài học từ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn trước cùng với tác động của những thay đổi gần đây trong bối cảnh quốc tế và trong nước.
“Chúng tôi hoan nghênh các ưu tiên trong dự thảo Chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Chúng tôi cũng cho rằng để xây dựng đất nước trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao, Việt Nam cần nâng cao năng suất lao động thông qua áp dụng công nghệ cao và chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng sạch hơn hoặc xanh hơn. Chúng tôi rất vui vì hai từ được sử dụng nhiều nhất trong dự thảo là khoa học và công nghệ (64 lần) và môi trường/biến đổi khí hậu (45 lần)”, ông Jacques Moriset, chuyên gia kinh tế trưởng WB phát biểu.
Dự thảo Chiến lược này đã xác định năm mục tiêu: Thể chế thị trường mạnh; Nguồn nhân lực lành nghề; Áp dụng công nghệ hiện đại; Phát triển văn hóa xã hội; Cơ sở hạ tầng hiện đại.
“Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu sự phát triển trong tương lai đảm bảo cơ hội cho tất cả mọi người và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào năm 2030”, vị chuyên gia Kinh tế trưởng của WB phát biểu.
Để bản Chiến lược hoàn thiện hơn, WB đề xuất nên bổ sung 2 mục tiêu Chiến lược khác, đó là tăng trưởng bao trùm và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
“Hãy thử tưởng tượng Việt Nam sẽ như thế nào khi trở thành một nền kinh tế hiện đại với lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng thông minh nhưng bất bình đẳng gia tăng và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Liệu đó có được gọi là sự phát triển kinh tế thành công hay không?”, vị Kinh tế trưởng của WB nói.
Tăng khả năng thực hiện để đạt được khát vọng
Bản Chiến lược này cũng cần xác định rõ hơn việc lựa chọn các mục tiêu và chỉ số cụ thể. WB cũng lưu ý rằng dự thảo Chiến lược hiện chưa có chỉ số nào cho hai mục tiêu Chiến lược chính, đó là thể chế thị trường hiệu quả và cơ sở hạ tầng hiện đại.
Chính phủ nên đưa vào những mục tiêu phản ánh quan điểm đối với các thể chế thị trường, chẳng hạn như một số chỉ số về quản trị được sử dụng trong các tài liệu kinh tế hoặc những chỉ số được Chính phủ thông qua để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, thành phố và một số chỉ tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nước hiệu quả hoặc phát triển hệ thống giao thông hiện đại.
Chuyên gia của WB nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực hiện có mang một ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam khi các động lực tăng trưởng truyền thống của đất nước đang giảm dần.
Bên cạnh đó, ổn định kinh tế vĩ mô trở thành ưu tiên hàng đầu, tính bền vững và khả năng thích ứng cũng sẽ rất quan trọng do tính cấp bách phải giải quyết những vấn đề về suy thoái môi trường và tầm quan trọng của những cú sốc bên ngoài như đại dịch và thiên tai trong thời gian gần đây và những bất ổn đang gia tăng của nền kinh tế toàn cầu như sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng thương mại và đại dịch Covid-19…
Một khuyến nghị nữa là cần quan tâm hơn đến hai giải pháp và cũng là trọng tâm của Việt Nam trong những năm tới, đó là quản lý tốt, quản lý thông minh quá trình đô thị hóa cũng như quá trình chuyển đổi cơ cấu từ công nghiệp sang dịch vụ, tạo nhiều việc làm năng suất cao trong lĩnh vực dịch vụ.
Theo WB, Việt Nam xác định rõ các nhiệm vụ ưu tiên. Mặc dù đã phản ánh mức độ ưu tiên tổng thể, 10 nhiệm vụ cơ bản trong Chiến lược đưa ra tuyên bố chung về mục tiêu cần đạt được mà không có hướng dẫn đầy đủ để xây dựng những hành động cần thực hiện.
WB nhấn mạnh tính cấp thiết phải thích ứng các cú sốc bên ngoài và với môi trường đang thay đổi. Trong đó cần phân tích chi tiết hơn những điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh mới, đặc biệt là trong việc xác định vị thế của Việt Nam trong “trạng thái bình thường mới” có khả năng xuất hiện trong thời kỳ hậu đại dịch.
Đại dịch chắc chắn đã làm tăng mức độ cấp thiết phải thực hiện nhanh hơn một loạt các nhiệm vụ hoặc giải pháp được xác định trong dự thảo Chiến lược, bao gồm cả việc khai thác xu hướng toàn cầu đang nổi lên trong việc xây dựng lại các chuỗi giá trị toàn cầu như một cơ hội để cạnh tranh và thu hút dòng vốn FDI có chất lượng hơn (công nghệ cao và thân thiện với môi trường).
Đại dịch cũng sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của nền kinh tế không tiếp xúc và yêu cầu thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, thông qua việc phát triển hệ thống thanh toán điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số trong giáo dục và y tế. Vì vậy cần nhấn mạnh hơn nữa cảm giác cấp bách này trong dự thảo Chiến lược.
WB nhận thấy trong những năm gần đây hiệu quả thực hiện của Chính phủ không đồng đều. Bài học từ việc triển khai Chiến lược Phát triển Kinh tế-Xã hội giai đoạn 2011-2020 cho thấy năng lực triển khai và tổ chức thực hiện cần được tăng cường để Việt Nam đạt được mục tiêu.
“Mặc dù đề ra các định hướng chính sách chiến lược đúng đắn, nhưng khả năng của Chính phủ trong việc thực hiện và tuân thủ các định hướng chính sách đó còn hạn chế. Vì vậy năng lực triển khai và tổ chức thực hiện cần được tăng cường để Việt Nam đạt được khát vọng của mình”, chuyên gia của WB khuyến nghị.