Cẩn trọng trước áp lực lạm phát
Lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại Ổn định tâm lý, kiểm soát lạm phát kỳ vọng |
Những chỉ dấu đáng chú ý
Từ mức đỉnh 4,89% trong tháng 1, tốc độ tăng CPI (so với cùng kỳ năm trước) đã duy trì xu hướng giảm dần, xuống chỉ còn khoảng 2,06% trong tháng 7. CPI trong tháng 8 lại tăng 2,96% và tỷ lệ lạm phát bình quân 8 tháng ở mức 3,1%. Trong điều kiện cầu tiêu dùng còn yếu và tăng trưởng chậm lại gần đây, chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng, nếu không có những cú sốc bất lợi lớn nào khác trong phần còn lại của năm, nhiều khả năng lạm phát tổng thể trung bình cả năm 2023 sẽ ở dưới mức 3,5%, đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, nếu so sánh theo tháng, CPI bắt đầu có dấu hiệu tăng nhanh hơn từ tháng 6 (tháng 6 CPI tăng 0,27%; tháng 7 tăng 0,45%, và đặc biệt tháng 8, mức tăng là 0,88% so với tháng trước). Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do tác động giá điện tăng và nhu cầu sử dụng điện tăng (mùa cao điểm nắng nóng); giá lương thực, thực phẩm cũng tăng nhanh trở lại và nhất là đà tăng giá nhanh của mặt hàng xăng dầu thời gian gần đây. Cụ thể, trong mức tăng 0,88% của CPI tháng 8, có nguyên nhân chủ yếu do nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% làm CPI chung tăng 0,26% (trong đó riêng lương thực tăng 3,28% làm CPI chung tăng 0,12%; thực phẩm tăng 0,48% làm CPI chung tăng 0,1%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85%, làm CPI chung tăng 0,16%. Đáng kể nhất là nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85%, làm CPI chung tăng 0,37%. Ở nhóm này, nguyên nhân tăng chủ yếu là do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước trong tháng 8 (vào các ngày 01, 11 và 21/8/2023, tổng cộng khiến giá xăng tăng 9,85%; giá dầu diezen tăng 15,9%).
Điều đó cho thấy bên cạnh điện, xăng dầu cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến CPI thông qua diễn biến giá của các nhóm hàng hóa, dịch vụ trong giỏ tính CPI. Nhìn lại có thể thấy, nếu như bình quân giá xăng dầu trong nước 7 tháng năm 2023 giảm tới 19,32% so với cùng kỳ năm trước là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng cùng với đà tăng của thế giới, giá xăng dầu trong nước hầu như liên tục được điều chỉnh tăng trong các kỳ điều hành từ tháng 7 đến nay.
Đơn cử tại kỳ điều chỉnh mới nhất ngày 21/9, giá xăng RON 95-III (loại sử dụng phổ biến trên thị trường) tăng thêm 870 đồng lên mức 25.740 đồng/lít, tức đã tương đương cùng kỳ năm ngoái. Diễn biến này cho thấy, xu hướng lạm phát được “hưởng lợi” từ mặt bằng giá xăng dầu giảm sẽ ngày càng thấp đi trong thời gian tới. Nói cách khác, áp lực lạm phát từ giá xăng dầu, giá gas tăng trở lại vừa qua và có thể tiếp tục tới đây thông qua các nhóm hàng hóa dịch vụ như giao thông; nhà ở và vật liệu xây dựng… sẽ gia tăng, trước mắt có thể phản ánh phần nào ngay trong CPI tháng 9 này. Theo các chuyên gia, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ khiến tăng trưởng GDP sụt giảm khoảng 0,5%, trong khi làm cho chỉ số CPI tăng 0,36; chưa kể những tác động dây chuyền của giá xăng tăng, bởi đây là nguồn đầu vào của nhiều hoạt động kinh tế, tiêu dùng khác.
Áp lực lạm phát đang tăng lên
Trong khi đó, không chỉ xăng dầu mà nhiều chủng loại hàng hóa nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng giá gần đây. Và điều này xuất hiện trong bối cảnh xuất, nhập khẩu và ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi (bắt đầu tăng trưởng trở lại nếu so với tháng trước, hoặc mức độ tăng trưởng âm giảm nếu so với cùng kỳ), do đó cũng tạo những áp lực nhất định đến lạm phát những tháng tới, chưa kể có thể bị cộng hưởng nếu giá dịch vụ, cước vận tải, chi phí logistics… tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất.
Cùng với đó, một nguồn vốn rất lớn cần giải ngân từ nay đến cuối năm từ các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công (mục tiêu giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch, trong khi hết 8 tháng mới đạt khoảng 42%); hay việc điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể tiếp tục diễn ra (như EVN có thể tiếp tục tăng giá điện; Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây có Tờ trình gửi Chính phủ, trong đó có nội dung đề xuất cho phép tăng học phí bậc đại học 2023-2024…) cũng có thể gây áp lực đẩy lạm phát tăng. Ngoài ra, không thể bỏ qua một quy luật “bất thành văn” là giá hàng hóa, dịch vụ thường tăng vào các tháng cuối năm cũng như nguy cơ xuất hiện các tin đồn trục lợi, tình trạng “ăn theo”, “té nước theo mưa” khi giá điện, giá giá xăng dầu vẫn trong xu hướng tăng hiện nay.
Cho đến hiện tại, ngoại trừ những nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá khá mạnh đã được “điểm tên” ở trên, nhìn chung các nhóm hàng khác đều có mức tăng khiêm tốn. Một phần lý do giúp lạm phát thấp là vì sức mua của người tiêu dùng còn yếu trong bối cảnh thu nhập giảm sút, các thị trường tài sản ảm đạm, giá các loại nguyên nhiên vật liệu tuy tăng gần đây nhưng vẫn giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên nhìn về tương lai, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho rằng lạm phát đang dần chịu sức ép và nhiều khả năng quay đầu tăng trở lại trong những tháng tới, khi Việt Nam vừa trải qua các đợt tăng giá điện, nước, lương cơ bản… Ngoài ra, xung đột địa chính trị và thời tiết bất lợi đang có xu hướng làm giá nhiên liệu và nhiều loại nông sản tăng trở lại gần đây. “Sự mất giá của đồng nội tệ hay việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá trong thời gian tới như thế nào cũng là những yếu tố quan trọng khác tác động đến lạm phát cả năm 2023”, chuyên gia này bổ sung.
Trong khi đó theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, một bài học cũ nhưng luôn mới là phải tránh được tâm lý lạm phát kỳ vọng, loại bỏ được các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá cả thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh hoặc xử lý kịp thời tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Liên quan trực tiếp đến thị trường xăng dầu, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng thì khó tránh khỏi việc giá trong nước cũng phải tăng. Tuy nhiên trong điều hành, cần sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu linh hoạt để giảm thiểu tác động tăng giá, cũng như có các giải pháp chủ động không để tái diễn những đứt gãy, căng thẳng trên thị trường như đã từng diễn ra trong năm 2022 là vấn đề cần được quan tâm. Trong trường hợp giá giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa, các giải pháp liên quan đến đến thuế, như xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường tương tự năm 2022 cũng cần được đặt ra.