Cẩn trọng trước áp lực lạm phát gia tăng
Lạm phát gia tăng nhưng không quá quan ngại Áp lực lạm phát gia tăng nhanh Nhà đầu tư chứng khoán cần thận trọng khi lạm phát gia tăng |
Áp lực lạm phát gia tăng
Nếu trong tháng 10, một trong những nhóm hàng hóa, dịch vụ đẩy CPI tăng mạnh nhất so với tháng trước là nhóm giáo dục (tăng 2,25%, làm CPI chung tăng 0,14%) thì câu chuyện này sẽ không tái diễn ở những tháng còn lại vì nhóm này tác động đến CPI chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên, áp lực có thể sẽ tái diễn từ các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác liên quan đến điện, như nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, khi EVN ngày 9/11 có lần thứ hai trong năm nay thông báo tăng giá điện bình quân thêm 4,5% (lần thứ nhất vào tháng 5 với mức tăng 3%).
Theo tính toán của EVN, tác động trực tiếp của việc tăng giá điện sau lần điều chỉnh vừa qua đến các khách hàng hộ gia đình không quá lớn. Đơn cử ở nhóm đối tượng sử dụng điện nhiều nhất (bậc 6, sử dụng từ 401 kWh trở lên) chỉ tăng thêm khoảng 55.600 đồng. Cùng quan điểm, theo các chuyên gia, tác động của lần tăng giá điện vừa qua (cả trực tiếp và gián tiếp) sẽ không quá lớn bởi nó diễn ra vào thời điểm lập đông, tiết trời mát mẻ và nhu cầu sử dụng điện làm mát không còn cao như mùa hè. Trên thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy giá điện sinh hoạt giảm 0,79% trong tháng 10 do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính cho rằng, tác động trực tiếp của lần tăng giá điện vừa qua chỉ khiến lạm phát tăng thêm khoảng 0,2 điểm phần trăm; còn nếu tính cả các lan tỏa rộng hơn qua vòng hai, vòng ba thì nó có thể tăng tổng cộng khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm. “Lạm phát cả năm nay chắc chắn vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhiều khả năng chỉ trong khoảng 3,2-3,5%, tức là vẫn đúng như dự báo trước đây”, ông Thịnh nói.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 10/2023 so với tháng trước theo các nhóm hàng hóa, dịch vụ (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) cho rằng, nếu nhìn vào lạm phát của năm nay thì “không còn vấn đề gì phải bàn nữa”. Bởi theo chuyên gia này, với tăng trưởng GDP khoảng 5% thì lạm phát đương nhiên cũng dưới 4% là chắc chắn. “Áp lực lạm phát cuối năm là có, nhưng chắc chắn sẽ không dẫn tới CPI cả năm vượt mức chỉ tiêu của Quốc hội, thậm chí có thể dưới mức chỉ tiêu khá xa. Tôi dự báo (CPI bình quân so với cùng kỳ - PV) chỉ 3,5% là cùng. Thế nhưng, với áp lực gia tăng hiện nay, điều quan ngại là sang năm có thể giữ được lạm phát trong khoảng 4-4,5% hay không mới cần đặt ra”, ông Việt nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhìn nhận biến động của giá nguyên - nhiên - vật liệu chắc chắn sẽ có những tác động đến sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi cả nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đều tăng. Đặc biệt là từ việc tăng giá điện, loại hàng hóa đặc biệt không thể thiếu và được sử dụng trong hầu hết các hoạt động và tiêu dùng của nền kinh tế. Đã có những tính toán cho thấy chi phí điện thường chiếm rất cao trong hầu hết các ngành sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, khi giá điện tăng thêm chắc chắn sẽ tiếp tục ảnh hưởng không thuận đến các doanh nghiệp, tác động tới giá hàng hóa tiêu dùng.
Lo nhất “điện tăng 4,5%, em cũng phải tăng 5%”
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, không có nghĩa khi giá điện bình quân tăng 4,5% là chi phí cũng tăng lên đúng như vậy mà mức độ tác động đến các ngành lĩnh vực là khác nhau. Hơn nữa, với thị trường tiêu dùng, không phải viện cớ giá điện tăng ở mức đó là các hàng hóa khác cũng tự động theo đó tăng lên. “Nếu bây giờ ra ngoài chợ, người ta bảo do giá điện tăng 4,5% nên em cũng phải tăng giá hàng hóa tương ứng 5% thì chết”, chuyên gia này nói, hướng vấn đề đến việc kiểm soát giá cả, tránh tâm lý lợi dụng “té nước theo mưa”.
Theo chuyên gia này, về cơ bản việc giá điện tăng sẽ không tác động lớn nếu dựa trên tính toán tác động đơn thuần về mặt chi phí, thị trường. Nhưng đằng sau đó còn có cả các yếu tố tâm lý trục lợi, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bước vào mùa cao điểm của sản xuất, tiêu dùng cuối năm và chắc chắn nhu cầu sẽ tăng cao. Những yếu tố đó nếu không được quản lý, ngăn chặn tốt thì hoàn toàn có thể khiến áp lực lạm phát tăng nhanh.
Bên cạnh giá điện tăng, các nhóm hàng hóa cũng thường tăng vào dịp cuối năm như hàng ăn và dịch vụ ăn uống (lương thực, thực phẩm); đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép… Trong khi đó, giá xăng dầu dù giảm trong những ngày vừa qua nhưng vẫn mang tính bất định với khả năng tác động tới lạm phát thời gian tới. Vấn đề lúc này không phải là lo ngại mục tiêu lạm phát năm nay (vì chắc chắn sẽ đạt được) mà nếu để lạm phát tăng nhanh trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2024 sẽ rất dễ có thể trở thành “dai dẳng”, từ đó không chỉ đe dọa đến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 mà còn tạo áp lực nặng nề hơn cho điều hành chính sách tiền tệ, cũng như khó khăn hơn trong triển khai chính sách tài khóa mở rộng để hỗ trợ mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
Để lạm phát tăng từ yếu tố mùa vụ nhưng không bùng phát và thậm chí trở thành dai dẳng thì vấn đề kiểm soát để tránh yếu tố lạm phát tâm lý, kỳ vọng lạm phát hay “té nước theo mưa” là rất cần thiết. Theo các chuyên gia, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý như Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương là rất quan trọng. Và không chỉ quản lý, kiểm soát đối với các siêu thị, các cửa hàng mà quan trọng hơn là tại các chợ dân sinh truyền thống, từ đó đảm bảo giá cả hàng hóa cuối năm dù có tăng nhưng ở mức phù hợp.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, Chính phủ yêu cầu: Bám sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả, chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong những tháng cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Thực hiện phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục theo lộ trình, thời điểm, mức độ phù hợp, đúng quy định, sát thực tiễn, bảo đảm vừa thúc đẩy tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; Nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm. |