Cảnh bảo kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử
"Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube các nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) như là “sân chơi” của những “bạn trẻ khởi nghiệp” của những “doanh nhân” muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng Internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết", theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, qua rà soát các nội dung được giới thiệu trên các phương tiện Internet, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá một số các dự án, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép.
Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.
Đánh giá chung, những dự án này thường có các điểm chung sau:
- Hướng đến các đối tượng trẻ như sinh viên tìm việc làm thêm và mong muốn khởi nghiệp, các dự án, mô hình hoạt động này thường được giới thiệu có quy mô mang tầm quốc tế, mang sứ mệnh Thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển. Các dự án này sẽ được ca ngợi như là có giải pháp giải quyết được nhiều vấn đề, là dự án “đi tắt đón đầu” và thường được gắn với nhiều giấy chứng nhận mang tầm quốc tế.
- Dự án sẽ quảng cáo và đưa ra rất nhiều lợi ích khi hợp tác đầu tư với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán nhiều cũng có thể thấy là lợi ích đủ đường và có thể đổi đời nhanh chóng. Những lời lẽ quảng cáo cho các dự án, mô hình này đều hướng về việc những nhà đầu tư dự án hiện nay là những người đi tiên phong, những người làm cách mạng trong thời đại mới và như thúc giục cần nhanh chóng bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án;
- Tuy nhiên, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được ghi nhận trên bất kỳ tài liệu chính thức nào chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiện thị trên giao diện website. Người tham gia, người đầu tư không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi có vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án/hoặc người giới thiệu/tuyến trên cố ý thoái thác trách nhiệm.
Hình ảnh giới thiệu về Onelink Network
Các hình ảnh giới thiệu về Hoa hồng khi tham gia vào Chili Mall
Hình ảnh giới thiệu về hoa hồng của Crowd1
Hình ảnh giới thiệu về thu nhập khi tham gia vào Vitae
Hình ảnh giới thiệu về Dự án W-GO
Hình ảnh giới thiệu về Dự án Tcapital
"Qua xem xét các nội dung giới thiệu trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đánh giá các mô hình hoạt động của các Dự án nêu trên có dấu hiệu là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP)", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẳng định.
Do đó, để tránh rủi ro về mặt vật chất và pháp lý, Cục cảnh báo người dân khôngtham gia đầu tư, hay phát triển hệ thống kinh doanh vào các Dự án nêu trên.
- Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phải được đăng ký theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. - Các tổ chức cá nhân trên có dấu hiệu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tới 5 tỷ đồng hoặc 5 năm tù giam (Điều 217a Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017). |