Cảnh giác khi mua thuốc qua mạng
Tiền mất, tật mang
Mới đây, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân nam ở Thanh Trì, TP. Hà Nội nhập viện trong tình trạng ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc trên mạng. Thuốc này được giới thiệu chữa tiểu đường dưới dạng viên nén có giá 10 triệu đồng. Sau khi dùng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân bị đau bụng, nôn mửa nên được người nhà đưa đi cấp cứu. Qua xét nghiệm thành phần thuốc, các bác sĩ tìm thấy phenformin - một loại chất chữa đái tháo đường thế hệ cũ có độc tính cao nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận trường hợp bệnh nhân gan bị nhiễm độc vì sử dụng thuốc được quảng cáo trên mạng. Trước khi nhập viện, bệnh nhân này đã mua thuốc chữa vô sinh trong 20 ngày, các gói thuốc không rõ thành phần, bao bì, nơi sản xuất, cũng không có chứng nhận cấp phép. Sau khi có những biểu hiện bất thường, người mệt mỏi, bệnh nhân đã ngừng thuốc và đến bệnh viện kiểm tra. Qua xét nghiệm, men gan của bệnh nhân tăng gấp 20 lần so với bình thường, trong tình trạng rất nguy kịch.
Một nạn nhân bị tổn thương da nghiêm trọng vì mua và sử dụng thuốc trên mạng |
Theo Thông tư 13/2009/TT-BYT về hoạt động thông tin, quảng cáo thuốc quy định, quảng cáo thuốc không được phép đưa vào các thông tin về chỉ định điều trị như điều trị bệnh lao, bệnh phong; điều trị bệnh lây qua đường tình dục; điều trị chứng mất ngủ kinh niên; các chỉ định mang tính kích dục; điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u; điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa khác tương tự. Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc bán ra thị trường phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt theo luật định để đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe của người tiêu dùng.
Cần đề cao cảnh giác
Tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, hoạt động mua bán thuốc vi phạm những quy định trên đang diễn ra tràn lan. Theo khảo sát của phóng viên, chỉ riêng trên Facebook đã tồn tại la liệt các fanpage lấy mác “lương y” có lượng theo dõi đông đảo, từ vài nghìn đến cả chục nghìn lượt người xem, tương tác mỗi ngày. Các hội, nhóm này đã phần đều bán thuốc nam điều trị các loại bệnh mãn tính như ho hen suyễn, viêm phổi, ung thư, viêm khớp…
Tinh vi hơn, một số sản phẩm thuốc bán trôi nổi trên mạng còn giả mạo giấy xác nhận của Bộ Y tế để bán hàng. Mới đây, Theo Cục An toàn thực phẩm đã phát hiện Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm Hoàng Kim Giáp biệt dược của HTX Thuốc Nam gia truyền dân tộc Dao (thôn Hợp Sơn, xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP. Hà Nội) là giả mạo. Tại trang web, sản phẩm này được quảng cáo là hỗ trợ điều trị u tuyến giáp, điều hòa hormon tuyến giáp, ngăn chặn sự phát triển của khối u, không tái lại, điều trị ngay tại nhà. Đơn vị này khẳng định không cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nêu trên.
Ngoài ra, với chiêu trò giới thiệu mình là bác sĩ tại các bệnh viện lớn, một số đối tượng đã tự mạo danh bác sĩ, nhân viên y tế để tư vấn rồi dụ dỗ người bệnh mua thuốc. Đa số những người này đều tự giới thiệu có chuyên môn, kinh nghiệm điều trị bệnh nan y thì bắt đầu tư vấn bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không kiểm chứng trên mạng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các bệnh viện mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Theo dõi những thông tin quảng cáo trên mạng, ông Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cảnh báo, lợi dụng lòng tin của người dân với các bài thuốc nam, nhiều đối tượng đã quảng cáo nhiều sản phẩm thuốc mang tính lừa đảo. Những sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, không ghi rõ thành phần, không có tên nhà sản xuất; thành phần thực chất là tân dược, thậm chí có thành phần độc hại.
Do đó, nhiều chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên trực tiếp đến các cơ sở y tế uy tín được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật để được kết nối trực tiếp với các bác sĩ chuyên khoa, tư vấn, giải đáp kịp thời, có hiệu quả điều trị tốt nhất; không vội tin vào những lời quảng cáo thiếu tính xác thực trên các trang mạng để tránh “tiền mất tật mang”.