Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Chiêu lừa đảo từ hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ” Cảnh báo phương thức lừa đảo giả mạo MISA chiếm đoạt tài sản |
Anh Hải Huỳnh, ở quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, một người sử dụng mạng xã hội facebook mới đây bị các đối tượng xấu lừa đảo mất 2 triệu đồng thông qua hình thức nhắn tin mượn tiền qua messenger của mạng xã hội facebook… Anh Hải Huỳnh chia sẻ, các đối tượng đã chiếm đoạt tài khoản facebook của một người bạn, sau đó dùng tài khoản này nhắm tin để mượn tiền. Nghĩ chỗ bạn bè thân quen nên chủ quan không gọi điện thoại hỏi lại, mà cứ thế chuyển tiền. Thế nhưng, khi chuyển xong mới giật mình nhớ lại và gọi vào messenger thì bấm máy bận và nhắn tin lại “đang bận họp”. Chỉ đến khi gọi qua điện thoại cho bạn, mới biết thông tin tài khoản facebook bị người khác chiếm đoạt.
Một nhóm đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc thuê phòng trọ đẹp, giá rẻ bị Công an TP. Đà Nẵng triệt xoá |
Theo anh Hải Huỳnh, với những trường hợp nhắn tin mượn tiền thông qua các tài khoản mạng xã hội, mọi người nên kiểm tra, bằng cách gọi điện thoại cho chủ tài khoản để kiểm chứng thông tin mượn tiền có chính xác hay không. Nếu chính xác thì mình chuyển cũng chưa muộn. Còn chủ quan chuyển tiền, khả năng bị lừa đảo rất cao…
Đó là một trong những thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng phạm tội thực hiện nhiều lần song vẫn có người dân “mắc bẫy” do chủ quan, cả nể... Chưa kể, các đối tượng luôn nghĩ ra những thủ đoạn lừa đảo mới, ngày càng tinh vi như: giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thông báo học sinh đang cấp cứu cần chuyển tiền phẫu thuật gấp; thông báo trúng thưởng; giả mạo số điện thoại để giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng đe dọa người dân; lừa đặt tiệc nhà hàng; tuyển người làm...
Đơn cử, cuối tháng 4 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP. Đà Nẵng bắt 8 đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh nhân viên công ty tài chính, ngân hàng duyệt hồ sơ cho vay tiền online qua mạng. Các đối tượng này chủ yếu ở Hà Nội nhưng lừa đảo hơn 500 nạn nhân cả nước. Trong đó, một số trường hợp tại Đà Nẵng. Các đối tương này chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. Thủ đoạn là giả nhân viên công ty tài chính, ngân hàng cho vay online, yêu cầu người vay đóng các khoản phí phát sinh như phí bảo hiểm, phí bảo lưu hồ sơ vay thì mới được giải ngân. Nhưng khi nạn nhân đóng phí thì chiếm đoạt, cắt đứt liên lạc…
Theo Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng, từ đầu năm 2023 đến nay phát hiện, xử lý hàng chục vụ việc, đối tượng vi phạm trên không gian mạng. Trong đó, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng vẫn nhức nhối, thủ đoạn tinh vi. Nổi bật, đầu tháng 5/2023, đơn vị làm rõ đối tượng N.T.T. Trang, trú huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đặt cọc du lịch.
Cụ thể, Trang sử dụng nhiều sim rác, facebook ảo tham gia vào các hội nhóm du lịch, bán vé máy bay, đặt phòng khách sạn... trên không gian mạng để tiến hành tìm kiếm du khách có nhu cầu để nhắn tin tiếp cận. Tiếp đó, Trang giả là nhân viên của công ty du lịch, phòng vé máy bay… rồi đưa thông tin giả mạo, tài khoản giả để du khách chuyển tiền vé hoặc tiền cọc tour du lịch sau đó chiếm đoạt. Thủ đoạn của Trang còn tinh vi hơn khi xin các hợp đồng từ các công ty du lịch rồi chỉnh sửa, đưa thông tin, tài khoản giả để du khách làm tin mà chuyển tiền. Với thủ đoạn này, chỉ trong thời gian ngắn, hàng trăm người “sập bẫy” của Trang với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.
Một nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội để cho vay nặng lãi và chỉ quản lý hoạt động cho vay thông qua tài khoản được lập trên mạng xã hội |
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, công nghệ ngày càng phát triển, vì thế các đối tượng lợi dụng, ngày càng đưa ra nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi hơn.
Thủ đoạn mới nhất gần đây, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.
Đối tượng giả lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có. Trong một số trường hợp, đối tượng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội của người dùng để trực tiếp nhắn tin cho các nạn nhân trong danh sách bạn bè.
Để tạo lòng tin với nạn nhân, đối tượng truyền tải Deepfake video có sẵn lên kênh video call khiến nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen và nhanh chóng chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng…
Theo các chuyên gia, cái khó khăn hiện nay là nhận thức, ý thức và hành động trong quản lý, bảo mật thông tin của nhiều tổ chức, cá nhân còn chủ quan, dẫn đến thông tin bị lộ, lọt, tạo điều kiện cho tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao lợi dụng để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước, quản lý và bảo vệ an toàn thông tin cho cá nhân, khách hàng của các cơ quan, doanh nghiệp; công tác quản lý hoạt động mở tài khoản ngân hàng, đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông Internet còn sơ hở, không giám sát được thực tiễn hoạt động của khách hàng, tạo điều kiện để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.
Vậy nên, người dùng mạng xã hội phải hết sức thận trọng trong các giao dịch, bảo mật thông tin cá nhân và nâng cao cảnh giác với những trường hợp nhắn tin mượn tiền, mời gọi tham gia vào các diễn đàn việc làm, làm ăn, kinh doanh, thâm chí là vay tiền online…