Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng |
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị O. (sinh năm 1957, trú tại Khu phố Chí Linh, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa), vào chiều ngày 13/12/2023, một đối tượng gọi điện thoại đến, xưng tên là Hà và tự xưng là cán bộ công an huyện Lang Chánh, yêu cầu bà kết nối Zalo với một người tên Thuần ở quận 1 TP. Hồ Chí Minh. Các đối tượng đã thay nhau đe dọa rằng bà O. đang vi phạm pháp luật, đồng thời yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Các đối tượng còn yêu cầu bà O. phải nói dối nhân viên ngân hàng là chuyển tiền mua bán đất. Do quá hoảng sợ, bà O. đã đến Agribank Lang Chánh tất toán sổ tiết kiệm lấy 250 triệu đồng để chuyển vào tài khoản do đối tượng cung cấp.
Khi đến Agribank Lang Chánh giao dịch, cán bộ Agribank Lang Chánh đã thấy biểu hiện bất thường, tâm lý bất an, lo lắng của bà O. nên đã trao đổi, nắm bắt thông tin ban đầu từ bà O. Ngay khi nhận biết bà O. đang bị thao túng tâm lý từ các đối tượng lừa đảo, cán bộ Agribank Lang Chánh đã kịp thời thông tin cho Công an huyện Lang Chánh để phối hợp tuyên truyền, thuyết phục bà O. hiểu đây là thủ đoạn lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng, qua đó ngăn chặn kịp thời việc bà O. chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với thủ đoạn tương tự như vụ việc bà O. gặp phải. Công an tỉnh Thanh Hóa và Agribank khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy kẻ xấu.
Trước đó, giao dịch viên tại Agribank Quảng Bình đã kịp thời ngăn chặn giúp khách hàng thoát khỏi vụ lừa đảo và suýt mất 100 triệu đồng. Hình thức lừa đảo cũng tương tự giả danh Công an TP. Hồ Chí Minh gọi điện thoại đe dọa khách hàng có liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để được nhận sự khoan hồng từ pháp luật. Do thường xuyên được đào tạo, cập nhật liên tục về lĩnh vực phòng chống lừa đảo, nên các giao dịch viên Agribank đã nhanh chóng nhận dạng được dấu hiệu lừa đảo trong giao dịch của khách hàng, sau đó vận dụng các hình thức nghiệp vụ tư vấn, phân tích cho khách hàng để khách hàng gọi lại cho đối tượng, phối hợp khai thác thông tin, xử lý sự việc.
Hiện tượng lừa đảo qua điện thoại và mạng xã hội ngày càng phổ biến, các nhóm đối tượng liên tục thực hiện trong thời gian qua bằng các hình thức như kết nối zalo, gọi điện trao đổi thông tin, lấy danh nghĩa công an dọa nạt người dân phải thực hiện chuyển tiền vào số tài khoản khác để chứng minh tài chính, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, còn có những trường hợp lừa đảo qua hình thức tặng quà tri ân cũng những đối tượng lấy danh nghĩa các tổ chức kinh doanh lừa người dân chuyển tiền phí để chiếm đoạt… Do vậy, Agribank liên tục khuyến cáo đến khách hàng, người dân tuyệt đối không thực hiện, làm theo hướng dẫn của đối tượng tự xung là cơ quan cảnh sát điều tra, cơ quan thuế, ngân hàng, yêu cầu chứng minh tài chính, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản lạ qua điện thoại hoặc mạng xã hội, đây là các hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan, tổ chức.
|