Cập nhật thị trường tiền tệ tuần từ 18-22/3/2019
Trên thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trên cả hai thị trường, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút tiền ròng. Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước hút ròng 25.359 tỷ đồng; trong đó 20.500 tỷ đồng hút qua kênh tín phiếu và 4.859 tỷ đồng qua OMO. Tín phiếu được đẩy mạnh phát hành với kỳ hạn 7 ngày lãi suất 3%/năm, lượng tín phiếu lưu hành liên tục tăng, hiện tại là 37.500 tỷ đồng trong khi lượng OMO lưu hành giảm nhanh về mức 2.728 tỷ đồng.
Thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn khá ổn định, lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở mức 3,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,4% với kỳ hạn 1 tuần, trở về vùng lãi suất cách đây 5 tháng.
Trên thị trường 1, lãi suất hầu hết được duy trì ổn định ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. Trong đó, có một ngân hàng thương mại cổ phần lớn điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 13 tháng thêm 20 điểm cơ bản. Nhu cầu huy động kỳ hạn dài để đáp ứng các chỉ tiêu về vốn cũng như nhu cầu giải ngân tín dụng tháng 3 sẽ giữ lãi suất huy động ở mức cao và chỉ có khả năng giảm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng do tác động từ mặt bằng lãi suất thấp trên liên ngân hàng.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá VND diễn biến trái chiều trên thị trường ngân hàng và tự do. Tỷ giá USD/VND tăng 5 đồng/USD ở cả 2 chiều lên mức 23.155/23.255 đồng/USD trên ngân hàng nhưng lại giảm tới 35 đồng/USD ở chiều mua vào và 30 đồng/USD ở chiều bán ra trên thị trường tự do, về mức 23.185/23.200 đồng/USD. Tỷ giá trung tâm được giữ nguyên ở mức 22.957 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Chênh lệch lãi suất VND-USD đang thu hẹp đáng kể (0,7-0,8%/năm với kỳ hạn qua đêm) nhưng vẫn ở mức dương, triển vọng khả quan về giải ngân vốn FDI, FII khiến nguồn cung USD vẫn khá dồi dào sẽ hỗ trợ cho sự ổn định của VND trong thời gian tới, khi môi trường quốc tế chưa có nhiều biến động.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng trên thứ cấp, thị trường sơ cấp kém sôi động. Trong tuần qua, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 5.500 tỷ đồng với 4 kỳ hạn 5, 10, 15 và 20 năm nhưng chỉ có 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm được phát hành với mức lãi suất 5,2%/năm. Mặc dù các kỳ hạn còn lại vẫn được quan tâm cao khi tỷ lệ đăng ký/khối lượng gọi thầu ở mức 2,4 lần nhưng không phát hành thành công do lãi suất kỳ vọng thấp nhất đều đã tăng lên so với phiên đầu thầu gần nhất, mức tăng là 8 điểm cơ bản với kỳ hạn 5 năm và 3 điểm cơ bản với kỳ hạn 10 và 15 năm.
Khối lượng phát hành kỳ hạn 10 và 15 năm đã vượt kế hoạch phát hành quý I/2019 trong khi lượng phát hành các kỳ hạn còn lại chỉ mới ở mức xấp xỉ 60% kế hoạch, đặc biệt kỳ hạn 30 năm mới chỉ đạt 27% kế hoạch quý I/2019.
Lợi tức trên thị trường thứ cấp tăng 8-14 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 1-5 năm và tăng 1-3 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 7-15 năm. Cụ thể, mức lợi tức hiện tại của các kỳ hạn 1 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm là 3,06%; 3,49%; 3,84%; 4,78% và 5,09%, hiện cao hơn so với lãi suất trúng thầu trên sơ cấp từ 4-14 điểm cơ bản.
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ với tổng giá trị giao dịch đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với tuần trước; trong đó khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là 1.870 tỷ đồng chia đều cho cả bên mua và bên bán, tính ròng thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua 24 tỷ đồng.