Cấp phép xây dựng: Đề xuất các phương án có lợi cho người dân
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM, người dân rất khó xin giấy phép xây dựng hay sửa chữa nhà ở vì các địa phương vẫn chưa thống nhất về cách hiểu khái niệm "đất hỗn hợp", "đất xây dựng mới” quy định trong các đồ án quy hoạch phân khu 1/2000.
Một số quận, huyện cho phép người dân tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, cấp giấy phép xây dựng chính thức, nhưng có địa phương chỉ cấp giấy phép xây dựng có thời hạn, không cho tách thửa, không cho chuyển mục đích thành đất ở.
Ảnh minh họa |
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến thời điểm này, Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2014 đã có hiệu lực; điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng vẫn quy định phải đảm bảo "phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã dược cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê dụyệt. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành" và bổ sung quy định đối với khu vực nông thôn thì phải “phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, việc các cơ quan chức năng về quy hoạch xây dựng (Sở Quy hoạch - Kiến trúc và UBND quận - huyện) chỉ căn cứ vào quy hoạch phân khu để đề xuất cấp Giấy phép xây dựng đối với từng chức năng quy hoạch (đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới) là không phù hợp quy định pháp luật về quy hoạch và xây dựng.
Hơn thế, thực trạng lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng hiện nay là hầu hết chỉ mới phủ kín quy hoạch phân khu và vẫn phải tiếp tục rà soát để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, việc đảm bảo điều kiện cấp Giấy phép xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng còn gặp nhiều khó khăn và mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất.
Để giải quyết những vướng mắc trong công tác cấp Giấy phép xây dựng đối với các khu vực trong đồ án quy hoạch phân khu có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới (đã tồn tại từ ngày 01/01/2015, thời điểm Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thi hành), Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM xem xét 2 phương án.
Trong đó, có việc chấp thuận cho cấp Giấy phép xây dựng (chính thức) tại các khu vực trong đồ án quy hoạch phân khu có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, với các chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch của công trình nhà ở riêng lẻ (trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng”). UBND quận - huyện có trách nhiệm cập nhật quy mô xây dựng nhà ở liên kế trong quá trình rà soát, điều chỉnh các chi tiêu quy hoạch kiến trúc trong Đồ án quy hoạch phân khu (Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000) đề trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.
Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho biết, phương án này tạo được sự thống nhất trong công tác cấp phép trên địa bàn thành phố; đáp ứng được nhu cầu xây dựng của cá nhân, tổ chức, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng đất; đúng với chủ trương của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, phương án này chưa phù hợp về điều kiện cấp Giấy phép xây dựng quy định tại Luật Xây dựng; Khó khăn trong việc mời gọi chủ đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch xây dựng do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng.
Để khắc phục nhược điểm trên, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu và trình UBND TP.HCM ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM theo hướng phân loại cụ thể các chức năng quy hoạch tại quy hoạch phân khu (đất dân cư hiện hữu, đất ở cải tạo chỉnh trang, đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới, đất nhóm nhà ở cao tầng/thấp tầng) được cấp Giấy phép xây dựng (chính thức), các chức năng quy hoạch còn lại (đất cây xanh, giao thông, công trình công cộng...) được cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn. Đồng thời, cũng kiến nghị UBND TP.HCM giao UBND quận - huyện cập nhật quy mô xây dựng nhà ở liên kế theo Tiêu chuẩn quốc gia trong quá trình rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trong Đồ án quy hoạch phân khu (Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định.