Cắt giảm điều kiện kinh doanh để hỗ trợ tăng trưởng
Cải cách thủ tục hành chính để tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp |
Trước đó để hỗ trợ DN, thúc đẩy đầu tư, Chính phủ đã ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (Nghị quyết 68 NQ/CP) với mục tiêu cụ thể là từ năm 2020-2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành và sẽ công bố lần đầu trước ngày 31/10/2020 tới.
Bình luận về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đại dịch Covid khiến rất nhiều DN gặp khó khăn, còn một số đang trên bờ vực phá sản, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh sẽ được hỗ trợ phần nào nếu gánh nặng về thủ tục hành chính hay những rủi ro trong hoạt động kinh doanh được giảm bớt.
“Chúng ta vẫn thường nói những chương trình hỗ trợ cho DN về vốn, thuế, phí là rất quan trọng, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là nếu những gánh nặng về thủ tục hành chính, những rủi ro từ chính sách được giảm bớt thì chắc chắn những khó khăn của DN sẽ được giảm hơn rất nhiều. Định hướng này của Chính phủ có thể giúp hồi phục nền kinh tế, giúp cộng đồng DN gắng gượng dậy sau đợt khó khăn này một cách thuận lợi hơn và Nhà nước cũng không phải bỏ ra quá nhiều ngân sách cho các khoản chi như những chương trình hỗ trợ khác”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, tiềm năng và dư địa để có thể cắt giảm các thủ tục hành chính cũng như điều kiện kinh doanh vẫn còn khá lớn, bởi lẽ qua thực tiễn, rất nhiều DN, nhà đầu tư vẫn đang chưa hài lòng và vẫn phàn nàn về sự phiền hà của các thủ tục hành chính hiện nay. Ngay cả với đầu tư công, định hướng của Thủ tướng và Chính phủ rất muốn thúc đẩy giải ngân, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; trong đó vướng mắc lớn nhất nằm ở thể chế, đó là sự chưa rõ ràng, chồng chéo, xung đột giữa các luật và rất nhiều quy định dưới luật khác.
Theo một khảo sát được VCCI thực hiện với hơn 3.000 DN về 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 5 bộ, ngành cho thấy: có 26% DN gặp trở ngại với thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Các thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu của Bộ Y tế có tỷ lệ DN gặp khó khăn trong thực hiện lần lượt ở mức 34% và 29%.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia dẫn chứng về việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho thấy việc chậm chi trả cho lao động tự do còn khó khăn bởi thủ tục quá rườm rà. Hay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, để người dân mua được nhà ở thương mại giá thấp không hề dễ dàng bởi một trong những nguyên nhân làm giá thành sản phẩm đội lên cao phải kể đến thời gian phê duyệt dự án kéo dài, làm phát sinh chi phí tài chính, chi phí đầu tư nên DN phải tính vào giá bán sản phẩm…
Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho biết sự chồng chéo về văn bản, quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng… đã và đang gây cản trở rất lớn tới những cái hoạt động thu hút đầu tư của địa phương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, hiện Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận thức rõ và đang hành động rất quyết liệt để tháo gỡ những trở ngại này. Tại phiên họp trực tuyến công bố Nghị quyết 68, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tập trung cải cách mạnh mẽ về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo chương trình cắt giảm, đơn giản hóa đã nêu tại nghị quyết này. Đồng thời phải thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tập trung lựa chọn tái cấu trúc quy trình trên môi trường điện tử, thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông… ở 4 cấp chính quyền.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ đề ra một chương trình cải cách đã là khó khăn, nhưng để thực thi còn khó khăn hơn bởi “thay đổi nói ra thì dễ nhưng thực thi thì rất khó”. Tinh thần của Nghị quyết 68 rất tích cực nhưng vấn đề là cách thức thực hiện và tính thực tế trong quá trình thực hiện được dự báo rất khó khăn bởi lẽ người soạn thảo, chủ thể soạn thảo ở đây là các bộ, ngành. Mà thông thường các bộ, ngành xuất phát từ lợi ích quản lý của mình sẽ không có nhiều động lực để bãi bỏ, cắt giảm nó.
Bởi vậy, phải có sự vào cuộc rất mạnh mẽ của những người đứng đầu các bộ, ngành. Thực tế đã cho thấy: ở đâu người đứng đầu bộ, ngành có mong muốn thay đổi thực sự, quan tâm thực sự thì ở đấy có sự chuyển đổi rất nhanh.