Cầu lao động xuất khẩu tiếp tục tăng
Đã có 9.837 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11/2015, theo số liệu mới cập nhật của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong đó có 3.700 lao động nữ. Như vậy, trong 11 tháng đầu năm 2015, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 109.252 lao động (35.472 lao động nữ).
Với kết quả này, dù còn 1 tháng nữa mới kết thúc năm 2015, song số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài đã vượt 15% kế hoạch cả năm và bằng 110,64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh minh họa |
Trong số các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, trọng điểm vẫn rơi vào các thị trường truyền thống gồm Đài Loan với 5.308 lao động (1.700 lao động nữ), Nhật Bản 2.646 lao động (1.194 lao động nữ).
Thị trường Đài Loan chủ yếu tiếp nhận lao động giản đơn phục vụ các công việc như giúp việc gia đình, điều dưỡng, hộ lý... Thị trường Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam trong hầu hết các ngành nghề từ xây dựng, cơ khí, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dệt may... Ngoài ra nước này đã bước đầu có nhu cầu tiếp nhận lao động có trình độ cao như kỹ sư thiết kế, kỹ sư cơ khí, điều dưỡng, hộ lý.
Bên cạnh 2 thị trường truyền thống này, nhu cầu nhập khẩu việc làm tại một số quốc gia Trung Đông cũng đang tăng lên đáng kể. Cục Quản lý lao động ngoài nước đánh giá thị trường việc làm ở các quốc gia này khá đa dạng và phù hợp với trình độ, kỹ năng của người lao động Việt Nam. Bên cạnh đó mức lương chi trả cũng hợp lý. Đơn cử như Qatar vừa qua tuyển dụng tập trung vào một số ngành nghề như thợ mộc, xây dựng, thợ cắt thép, đốc công, thợ sắt (mức lương dao động trong khoảng 340-540 USD/người/tháng).
Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) có nhu cầu tuyển dụng đốc công, thợ hàn, thợ đường ống, lắp máy, kết cấu (350 - 540 USD/người/tháng); dịch vụ khách sạn (350-680 USD/người/tháng); nhân viên làm móng, tóc, kỹ thuật viên làm đẹp (540 USD/người/tháng)… Riêng trong những tháng cuối năm vừa qua, thị trường Hàn Quốc có nhu cầu tuyển dụng cao với vị trí thuyền viên tàu cá xa bờ, mức lương dao động trong khoảng 420-450 USD/người/tháng, thời hạn hợp đồng 2 năm.
Bên cạnh những thông tin mới về nhu cầu tuyển dụng lao động, người lao động có nhu cầu tìm việc ở nước ngoài cần lưu ý một số quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài nhằm siết chặt quản lý và tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Đơn cử như tại thị trường Nhật Bản, DN phái cử được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí theo quy định với mức không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm; không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm. Ngoài ra, DN được thu từ người lao động không quá 5,9 triệu đồng/khóa tiếng Nhật tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết học/khóa học.
Về đào tạo, DN phải tổ chức đào tạo tiếng Nhật với thời lượng tối thiểu 520 tiết và phải bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh theo quy định và cấp chứng chỉ cho thực tập sinh trước khi đi. Về quản lý thực tập sinh tại Nhật Bản, DN đã đưa được trên 200 thực tập sinh tại Nhật Bản phải bố trí cán bộ đại diện để quản lý, hỗ trợ và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thực tập sinh.
Cũng theo quy định, DN chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và DN đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập tại Nhật Bản với thực tập sinh.
Liên quan tới các chính sách về quản lý người lao động di cư ra nước ngoài, theo các chuyên gia để tạo điều kiện cho đối tượng này tìm kiếm công việc dễ dàng hơn, Việt Nam nên xem xét giảm tối đa chi phí di cư. Hiện mức phí này đang dao động trong khoảng tương đương 2 tháng lương của người lao động, trong khi ở các quốc gia khác mức này là chưa đến 1 tháng lương.