Chăn nuôi nhỏ lẻ trước nhiều áp lực
Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Nam, một chủ hộ nuôi gà ở Vĩnh Cửu, Đồng Nai, để cho ra 1kg gà thịt gà công nghiệp cần từ 1,6kg thức ăn (khoảng 22.000 đồng). Như vậy, con gà 2kg tốn khoảng 44.000 đồng thức ăn, cộng 5.000 đồng con giống, thêm chi phí thú y, điện nước, lao động…, sẽ rơi vào khoảng 55.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà thịt hiện chỉ ở mức trung bình chưa đến 30.000 đồng/kg. Chính vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi đã phải “treo chuồng”.
Tình trạng tương tự cũng gặp ở ngành nuôi lợn. Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, Nguyễn Kim Đoán cho biết, năm trước, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm khoảng 70% tổng đàn lợn của tỉnh, nhưng thời điểm này chỉ còn khoảng 20 - 30%/tổng đàn 2,7 triệu con, số còn lại thuộc về các doanh nghiệp. Nếu tình hình này kéo dài, nhiều vùng nuôi lớn có thể bị xóa sổ vì người nuôi thua lỗ kéo dài, không có vốn tái đầu tư.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn chủ động được nguồn con giống, thức ăn, có quy trình nuôi khép kín, áp dụng khoa học kỹ thuật tốt... nên giá thành sản xuất thường thấp hơn nhiều so với chăn nuôi quy mô nông hộ. Hơn thế, theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), trong 2 năm qua, do “cạn nguồn vốn” mà giá thị trường lại xuống sâu, đã “đánh gục” các cơ sở chăn nuôi trong nước. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ sở chăn nuôi trong nước đang phải “gia công” cho doanh nghiệp FDI, và việc quyết định giá bán nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài.
Chăn nuôi quy mô nông hộ chi phí thường cao hơn |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp FDI đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi tại Việt Nam. Chính vì vậy, VIPA kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần làm rõ các nội dung tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ dự án đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa vào lĩnh vực chăn nuôi; cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư dự án chăn nuôi, giết mổ, chế biến ứng dụng công nghệ cao; cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án chăn nuôi gia cầm gắn với xuất khẩu; xây dựng nhà máy tại khu chăn nuôi không có khu công nghiệp; nguồn vốn và quy trình giao vốn hỗ trợ; trình tự và thủ tục hỗ trợ đầu tư; thẩm định, thanh quyết toán. Và để bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, duy trì công ăn việc làm cho người nông dân, VIPA kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung một số chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp và người chăn nuôi trong nước đủ điều kiện để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI. Đồng thời, cũng kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (nếu có) bán phá giá sản phẩm chăn nuôi, cạnh tranh không lành mạnh…
Lãnh đạo Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần rà soát lại chiến lược phát triển chăn nuôi trước tình trạng cung vượt cầu (dự án cấp phép quá nhiều mà không gắn với phương án xuất khẩu). Trong 5 năm tới, các địa phương cần siết chặt việc cấp phép các dự án mới (nếu dự án không có phương án chế biến, xuất khẩu).
“Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương phải kiểm soát chặt chẽ tình trạng nhập khẩu thịt ngoại, bởi để xuất khẩu thịt, trứng trong nước phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật, nhưng sản phẩm nhập về lại dễ dàng”, lãnh đạo Hiệp Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị.