Chi phí tái chế hợp lý sẽ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn
Ngành đồ uống sẽ có lợi khi áp dụng kinh tế tuần hoàn Doanh nghiệp lo lắng về định mức chi phí tái chế không hợp lý |
Hiệp hội nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện phí Fs đã giảm song vẫn còn cao so với EU. Cụ thể, với vật liệu nhôm, Fs đề xuất dù đã giảm từ 6.180 đồng xuống 3468 đồng/kg song vẫn cao hơn trung bình của 14 nước Tây Âu 1,26 lần và cao hơn 2,77 lần theo phương pháp so sánh với các nước trên thế giới mà Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO) nghiên cứu. Chi phí tái chế thủy tinh là 2,020 đồng, cao hơn EU 2,12 lần…
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam Phạm Thị Ngọc cho biết, việc áp dụng phí EPR với ngành sữa để tái chế 62.400 tấn nhôm, sắt, 336.000 tấn giấy carton sẽ làm đội chi phí 1 năm lên tương ứng là 738 tỷ đồng và 31,3 tỷ đồng. Chưa kể phí EPR cho giấy hỗn hợp 78.000 tấn/năm là 129 tỷ đồng.
Còn bà Chu Thị Vân Anh-Phó tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, theo các quy định trong dự thảo ngày 26/7 thì có thể giảm mức đóng góp cho 3 loại bao bì từ 8.125 tỷ đồng/năm xuống còn 6.127 tỷ đồng/năm, nhưng đây vẫn là gánh nặng cho các doanh nghiệp trong ngành và người tiêu dùng. Hiệp hội cho rằng, việc áp Fs cao có thể khiến người tiêu dùng phải chi trả cho việc tăng giá bất hợp lý như nước đóng chai PET 500 ml sẽ tăng 1,62%, lon bia 330ml tăng 0,24%. Nếu tính cả chi phí tái chế bao bì đóng gói gián tiếp (thùng, hộp carton), chi phí tái chế thiết bị, phương tiện vận chuyển thì mức tăng giá còn cao hơn nhiều.
Ông James Ollen, Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcharm) cho rằng phí Fs đang cao bất hợp lý là do chưa theo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, chưa trừ đi giá trị vật liệu thu hồi được. Từ đó, Amcharm cùng chung kiến nghị với các Hiệp hội đề xuất, với các vật liệu có giá trị tái chế thu hồi được lớn hơn chi phí tái chế như bao bì nhôm, sắt, giấy carton, bao bì nhựa cứng… nhà tái chế đã có lãi thì cần điều chỉnh hệ số Fs bằng 0, căn cứ theo khuyến nghị của OECD.
Đối với các vật liệu có giá trị thu hồi thấp như bao bì nilon, bao bì giấy hỗn hợp, nhiều Hiệp hội cho rằng giá trị Fs cần hợp lý. Từ đó, họ đề xuất mức Fs căn cứ theo nghiên cứu của PRO Việt Nam. Cụ thể áp Fs với bao bì giấy hỗn hợp là 2.575 đồng/kg; bao bì đa vật liệu mềm là 4.378 đồng/kg; bao bì đơn vật liệu mềm, ngoại trừ túi nilon là 1.802 đồng/kg.
Các Hiệp hội cũng đề xuất bỏ chi phí quản lý hành chính 2% ra khỏi Fs, vì đây là số tiền rất lớn, lên tới nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm.
Amcharm cũng kiến nghị một số giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, như cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế đối với một loại bao bì/sản phẩm trong cùng năm; Thay đổi cách nộp từ tạm ứng trước vào đầu năm 2024 sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024 (tức là nộp vào tháng 4/2025), để vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm với môi trường mà giảm được khó khăn cho doanh nghiệp. Việt Nam cũng cần có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường, hoặc sử dụng vật liệu tái chế, xây dựng cơ chế ưu tiên/khuyến khích đối với các loại nguyên vật liệu thân thiện với môi trường.