Chỉ số MXV-Index chấm dứt chuỗi tăng ba ngày liên tiếp
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới nằm trong xu hướng tăng giá Thị trường hàng hóa khởi động tuần mới bằng lực mua tích cực |
Chốt ngày, chỉ số MXV-Index giảm 0,73% xuống 2.129 điểm, kết thúc chuỗi tăng ba ngày liên tiếp trước đó. Mặc dù vậy, nhờ tính chất giao dịch hai chiều, giá trị giao dịch toàn Sở vẫn tăng gần 18% lên hơn 6.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm hàng năng lượng tăng đáng kể, hơn 60% so với hôm qua, chiếm 53,6% tổng giá trị giao dịch.
Chỉ số MXV-Index chấm dứt chuỗi tăng ba ngày liên tiếp |
Giá dầu tiếp tục giảm trước nỗi lo tăng trưởng kinh tế
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 5/3, giá dầu giảm phiên thứ hai liên tiếp trong bối cảnh các nhà giao dịch thận trọng về tín hiệu kinh tế tại các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Sự hoài nghi về tăng trưởng làm mờ triển vọng nhu cầu, từ đó gây áp lực cho giá dầu. Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,75% xuống 78,15 USD/thùng; dầu Brent giảm 0,92% xuống 82,04 USD/thùng.
Việc gia hạn cắt giảm sản lượng của các thành viên Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) một phần phản ánh góc nhìn ảm đạm của nhóm đối với mức độ tiêu thụ dầu trên thế giới. Do đó, áp lực đang dần xuất hiện trên thị trường.
Hãng tin Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh ổn định giá cả trên thị trường dầu mỏ mới là mục đích chính của OPEC+, không phải tăng giá. Hơn nữa, cho đến nay nhóm đang khá thành công để giữ giá dầu không biến động quá mạnh.
Bên cạnh đó, dầu thô cũng chịu áp lực bởi sự hoài nghi về việc Trung Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư suy giảm. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2024 khoảng 5%. Mục tiêu này tương đương năm ngoái và phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích nhưng việc thiếu vắng các kế hoạch kích thích lớn nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn khiến các nhà đầu tư thất vọng.
Ngoài ra, tâm lý e ngại rủi ro trên thị trường tài chính cũng thúc đẩy tâm lý bán trên thị trường. Giá vàng đạt mức cao kỷ lục do đặt cược vào việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vào tháng 6 ngày càng tăng, trong khi phố Wall đỏ lửa do sự suy yếu của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Các tín hiệu này thường được đặt trong môi trường lo ngại về tăng trưởng kinh tế, từ đó cũng gây ảnh hưởng tới giá dầu.
Rạng sáng nay (6/3) theo giờ Việt Nam, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu tăng 432.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 1/3. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm lần lượt là 2,77 triệu và 1,77 triệu thùng, có thế sẽ hạn chế một phần đà giảm giá dầu trong phiên sáng.
Mùa vụ khả quan tại Nam Mỹ gây sức ép lên giá đậu tương
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường nông sản đỏ lửa, toàn bộ nhóm hàng đồng loạt giảm giá. Trong đó, giá đậu tương hợp đồng tháng 5 đánh mất 0,52%. Tình hình mùa vụ tại Brazil tiếp tục là yếu tố chính ảnh hưởng tới diễn biến giá.
Sở Kinh tế Nông thôn Parana (Deral) cho biết tiến độ thu hoạch đậu tương tại bang đạt 64% kế hoạch tính tới đầu tuần này, tăng 12 điểm phần trăm so với một tuần trước và cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Thời tiết khô và nóng đã đẩy nhanh chu kỳ phát triển của cây trồng, nhưng khiến đậu tương không đạt được năng suất tối đa.
Trong khi đó tại bang Rio Grande do Sul, công ty nhà nước Emater dự kiến nông dân sẽ thu hoạch 22,25 triệu tấn đậu tương trong niên vụ 2023/2024, giảm 0,2 triệu tấn so với ước tính ban đầu. Tuy nhiên, đây vẫn sẽ là mức sản lượng kỷ lục khi tăng tới 71,5% so với niên vụ trước. Sự hồi phục sản lượng ở bang Rio Grande do Sul được kỳ vọng sẽ giúp bang này trở thành nhà sản xuất đậu tương lớn thứ 2 của Brazil, đồng thời bù đắp cho sự thiệt hại sản lượng ở các bang khác.
Nhìn chung, tình hình mùa vụ ở Brazil tương đối khả quan và gây sức ép lên giá đậu tương trong hôm qua.
Tại Argentina, TS. Cordonnier cho biết mưa suốt tuần qua đã giúp các vùng nông nghiệp ở miền bắc đất nước được hưởng lợi, trong khi miền nam có xu hướng khô ráo. Dự kiến thời tiết sẽ duy trì trong tuần này, tạo điều kiện cho các diện tích đậu tương trồng muộn và đang trong giai đoạn làm đầy hạt. Triển vọng mùa vụ tích cực hơn ở Argentina cũng góp phần gây sức ép lên giá.
Trước triển vọng mùa vụ khả quan tại khu vực Nam Mỹ, hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương cũng đóng cửa phiên hôm qua trong sắc đỏ. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 5 ghi nhận mức giảm hơn 1%, theo sau đà suy yếu của đậu tương. Đối với dầu đậu tương hợp đồng tháng 5, giá diễn biến tương đối giằng co trong phiên hôm qua.
Triển vọng nhu cầu từ Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới tiếp tục thu hẹp đà giảm giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 5/3, giá khô đậu tương Nam Mỹ nhập khẩu về cảng Việt Nam tăng nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 12.000 - 12.100 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.050 - 11.400 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.