“Chìa khoá” đổi mới giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn và phát triển bền vững |
Khó khăn từ “sức khoẻ” của doanh nghiệp
Hiện nay, Việt Nam đang hội tụ nhiều cơ hội và lợi thế để phát triển các hoạt động đổi mới sáng tạo. Năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020 (GII 2020), Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập và tiếp tục giữ đứng thứ 42 trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tại buổi toạ đàm “Đổi mới sáng tạo: Từ ý tưởng đến giá trị đột phá cho doanh nghiệp” diễn ra mới đây, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần phải bắt kịp, tiến cùng và lựa chọn một số lĩnh vực thế mạnh để vượt lên.
Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, trở ngại trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thêm phần rõ rệt khi “sức khoẻ” của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Theo số liệu do Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng năm 2020, số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn là trên 41.000 doanh nghiệp, tăng 58,7% so với cùng kỳ năm trước; hơn 30.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể… trung bình mỗi tháng có hơn 8.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, ông Amit Shandil, Quản lý cấp cao của Nielsen Việt Nam, cho biết 84% chuyên gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) chịu áp lực phải ra mắt sản phẩm mới nhiều hơn 5-10 năm trước. Bởi lẽ, hơn 90% sản phẩm FMCG mới sẽ biến mất trong thời gian ngắn. Riêng tại Việt Nam, 59% sản phẩm mới được ra mắt trong giai đoạn 2017-2019 nhưng chỉ 14% trong đó giữ được doanh số qua các năm.
Vì vậy, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, doanh nhân cần phải thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo ngay từ ý tưởng cho tới hành động.
“Khi các doanh nghiệp, doanh nhân luôn ý thức, luôn khát khao về đổi mới sáng tạo để tạo nên những sản phẩm, những giải pháp mang tính đột phá, thì doanh nghiệp sẽ phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của xã hội, qua đó góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.
Nỗ lực hỗ trợ từ vốn và chính sách
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều tổ chức đã có những hoạt động thiết thực.
Ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, NIC được ưu tiên và tạo điều kiện tối đa để thực hiện những nhiệm vụ về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái, xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Tại NIC, các doanh nghiệp, nhân tài sẽ là những nhóm hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách này. Cụ thể, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được NIC hỗ trợ để nhận được ưu đãi thuế, tài chính, pháp lý và đặc biệt là tiếp cận với mạng lưới các nhân tài, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khởi nghiệp, NIC sẽ hỗ trợ tối đa để có thể tiếp cận với đào tạo và học tập, các phòng thí nghiệm hiện đại và các quỹ nghiên cứu, người cố vấn và nguồn vốn...
Đặc biệt, hỗ trợ về nguồn vốn để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo luôn là một trong những vấn đề được quan tâm. Từ sau dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. Nhờ đó, các doanh nghiệp đều có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay rẻ.
Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư vào đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đã được triển khai. Mới đây, ba quỹ đầu tư gồm Patamar Capital, Viet Capital Ventures và East Ventures công bố rót vốn vào Kim An, một công ty công nghệ tài chính cung cấp dịch vụ tín dụng hướng đến khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh. Đây được xem là đơn vị hiếm hoi phục vụ phân khúc khách hàng hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ tại Việt Nam.
Ngoài ra, Chỉnh phủ cũng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội hợp tác, hình thành các mô hình kinh doanh trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, NIC và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã trao thỏa thuận hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bản thoả thuận nhằm mở rộng quan hệ, tăng cường năng lực hợp tác quốc tế, đảm bảo cho sự kết nối các nhà đầu tư Nhật Bản với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, hỗ trợ tốt nhất trong việc phát triển sự nghiệp đổi mới sáng tạo giữa hai nước nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng.
Với nhiều giải pháp này, các chuyên gia kỳ vọng, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao trong thời gian tới. Đồng thời, đây sẽ là một trong những giải pháp mang tính đột phá giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn trong giai đoạn tới.