Chiêu lừa đảo từ hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ”
Cách đây không lâu, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” quảng cáo, khách hàng bỏ ra chi phí ban đầu là 210 triệu đồng cho gói nghỉ dưỡng trong vòng 10 năm. Nếu tham dự sự kiện, họ sẵn sàng giảm giá tới 40%. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn quảng cáo “hiện chỉ còn có 3 suất thì trong đó 2 suất trả trước và 1 suất trả thẳng, tổng phần quà tặng thêm là 34 triệu”. Trước món hời quá lớn, nhiều người đã nhanh tay ký vào bản hợp đồng lên tới hàng chục trang dù họ chưa kịp tìm hiểu! Đến khi tiền đã chuyển khoản thì phát hiện những bất thường trong hợp đồng, người dân mới khởi kiện và báo cho cơ quan chức năng.
Cơ quan quản lý du lịch các địa phương tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” |
Trong thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã nhận được nhiều đơn, thư của công dân liên quan đến việc mua dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ”. Theo phản ánh, ngoài việc người mua (chủ sở hữu tuần nghỉ) có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung cấp kỳ nghỉ khoản tiền theo giá trị hợp đồng, còn phải thanh toán các khoản phí thường niên hay phí duy trì cho từng năm được điều chỉnh tăng giảm bất thường gây thiệt hại cho chủ sở hữu; gây nhầm lẫn cho người mua thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về sản phẩm, dịch vụ và một số nội dung khác.
Trước đó, năm 2022, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương) đã thanh tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường - một trong những đơn vị cung cấp “sở hữu kỳ nghỉ”. Sau đó, doanh nghiệp này bị xử phạt vi phạm vì cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng và sử dụng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có cỡ chữ nhỏ hơn quy định. Đến nay, Công ty vẫn đang trong quá trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là “buộc cải chính thông tin đối với hành vi cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác cho người tiêu dùng”.
Đồng thời, Uỷ ban cũng vừa lên tiếng cảnh báo rủi to từ mô hình này. Theo đó, một số dự án đang “hô biến” mô hình "sở hữu kỳ nghỉ" thành kinh doanh đa cấp biến tướng. Chiêu trò của những doanh nghiệp này thường là tổ chức nhiều cuộc hội thảo hoành tráng, đưa ra những lời chào mời cực kỳ hấp dẫn như: đi du lịch châu Âu miễn phí 1 tuần, đi xuyên Việt, được ở những khách sạn hạng sang trọn đời. Sau đó, khách hàng sẽ được mời vào phòng riêng để tư vấn. Đối với những khách hàng còn tỏ ra do dự thì sẽ có lãnh đạo cấp cao hơn tư vấn để tạo niềm tin. Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian rất chóng vánh.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, về bản chất, hầu hết các hợp đồng "sở hữu kỳ nghỉ" hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và có các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng. Bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng… Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng, không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ. Do đó, một số đối tượng lừa đảo đã lợi dụng “khe hở” này nhằm trục lợi cho mình.
Tránh tiền mất tật mang
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, Tổng cục Du lịch đề nghị cơ quan quản lý du lịch các địa phương tuyên truyền tới người dân nâng cao nhận thức về mô hình “sở hữu kỳ nghỉ” theo nội dung khuyến cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu, chào bán “sở hữu kỳ nghỉ”, người dân cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ sẽ được giới thiệu tại sự kiện, cũng như bên cung cấp, thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.
Khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng cần đặc biệt quan tâm đến các điều khoản bất lợi trong hợp đồng như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm, ví dụ như, không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)...
Ngoài ra, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương cũng cần yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, đơn vị khác có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” phải quảng bá, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác; thiết lập hợp đồng mua bán kỳ nghỉ phải rõ ràng, không có các điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng như hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các đơn vị có cung cấp dịch vụ “sở hữu kỳ nghỉ” nhằm đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp tới người tiêu dùng; tiếp nhận và giải quyết kịp thời các đơn thư, phản ánh của người dân theo thẩm quyền.