Chính phủ đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung hơn 20.695 tỉ đồng vốn nhà nước tại Vietcombank
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank Công bố quyết định chuyển giao bắt buộc CB cho Vietcombank và Oceanbank cho MB |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc |
Bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank nhằm đạt nhiều mục tiêu
Về cơ sở thực tiễn, Phó Thủ tướng cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho Vietcombank nâng cao năng lực tài chính nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định để thực hiện các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao; phấn đấu đưa ngân hàng Việt Nam vươn ra khu vực, nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á. Việc đầu tư vốn tại Vietcombank mang lại hiệu quả kinh tế cao, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân 5 năm gần đây của Vietcombank đạt 23%.
Về căn cứ pháp lý, đối tượng, phạm vi, Vietcombank thuộc đối tượng, phạm vi được đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Quyết định số 16, Luật 69/2014 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định 91 năm 2015 của Chính phủ.
Về thẩm quyền, Vietcombank đề xuất được đầu tư bổ sung vốn nhà nước với số tiền là 20.695 tỉ đồng. Căn cứ quy định tại Điều 7 Luật số 69/2014, Quốc hội khóa 13, với mức vốn nhà nước đầu tư bổ sung này, Quốc hội sẽ có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đầu tư vốn.
Về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, Phó Thủ tướng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu riêng lẻ của ngân hàng này tại ngày 31/12/2023 là 11,05%, hợp nhất là 11,39%, đảm bảo tuân thủ quy định tại Điều 138 Luật các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đây vẫn đang là mức thấp so với các ngân hàng thương mại cổ phần ở Việt Nam, các ngân hàng trong khu vực châu Á và Đông Nam Á. Với vai trò định hướng là chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường, Vietcombank hướng tới mục tiêu đáp ứng tỷ lệ an toàn tối thiểu theo Basell 3 đến năm 2026 là 13,5%. Theo đó, Vietcombank xác định vốn từ có thiếu hụt giai đoạn 2024-2026 là 118.166 tỉ đồng cho đến 125.435 tỉ đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ, phát hành trái phiếu tăng vốn và đầu tư bổ sung vốn từ ngân sách nhà nước là không khả thi. Do vậy, Chính phủ đề xuất đầu tư bổ sung vốn vào Vietcombank từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2011 và lợi nhuận còn lại của năm 2021 là 20.695 tỉ đồng, vốn điều lệ tăng thêm là 27.666 tỉ đồng. Vốn điều lệ của Vietcombank sau khi được tăng vốn sẽ là 83.557 tỉ đồng, vẫn chưa đạt mức tối thiểu.
Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn điều lệ tăng thêm, Phó Thủ tướng cho biết, toàn bộ vốn điều lệ được bổ sung sẽ tiếp tục sử dụng làm nguồn vốn hoạt động kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, chuyển đổi số và từ đó tạo nguồn lực để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.
Về hồ sơ đề nghị đầu tư vốn bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, theo Phó Thủ tướng, hồ sơ đã đảm bảo đầy đủ, đúng quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật số 69/2014, Khoản 1 Điều 13 Nghị định 91 năm 2015.
Đánh giá tác động của việc bổ sung vốn, Chính phủ cho rằng việc tăng cường năng lực tài chính sẽ giúp cho Vietcombank phát huy chủ lực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như: phát triển các lĩnh vực ưu tiên, cấp tín dụng cho các dự án quan trọng quốc gia với nhu cầu vốn đặc biệt, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế, tăng hiệu quả hoạt động và nộp ngân sách nhà nước; phấn đấu nâng tầm vị thế của ngân hàng Việt Nam trong khu vực, quốc tế.
Phần lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2018 và năm 2021 của Vietcombank là lợi nhuận còn lại sau thuế đã nộp, trích lập quỹ và chứa cổ tức bằng tiền mặt hiện được hạch toán theo dõi tại Vietcombank và chưa nằm trong cân đối của ngân sách nhà nước, quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Do vậy, nguồn vốn Vietcombank đề xuất sẽ tăng vốn điều lệ không ảnh hưởng đến kế hoạch, dự toán thu, chi ngân sách giai đoạn 2024-2025…
Căn cứ vào nội dung như trên, căn cứ vào Luật 69/2014 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Vietcombank và đưa vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15: Một, chấp thuận chủ trương đầu tư vốn nhà nước để duy trì tỷ lệ vốn góp của Nhà nước tại Vietcombank với số tiền hơn 20.695 tỷ đồng từ cổ tức bằng cổ phiếu được chia của cổ đông nhà nước từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 của Vietcombank; Hai, giao Chính phủ chỉ đạo việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank.
Ủy ban Kinh tế nhất trí về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank
Báo cáo thẩm tra một số nội dung về quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết nhất trí với sự cần thiết đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank với lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Vietcombank là một trong các ngân hàng thương mại có uy tín, quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách nhà nước và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Vũ Hồng Thanh |
Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank sẽ giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III, nâng cao khả năng chống chịu rủi ro trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và tiềm ẩn rủi ro tài chính; mở rộng hoạt động tín dụng, trong đó có các dự án quan trọng quốc gia có nhu cầu vốn lớn; tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, tăng uy tín trong nước và quốc tế, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, có đủ nguồn lực tham gia hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, cụ thể là đã nhận chuyển giao bắt buộc 01 ngân hàng thương mại yếu kém là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam.
Hồ sơ của Chính phủ trình đã bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều 49 của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Về cơ sở pháp lý, căn cứ khoản 3 Điều 17 của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và khoản 1 Điều 7 của Luật Đầu tư công, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank bằng nguồn cổ tức bằng cổ phiếu, lợi nhuận được chia là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 148 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, Uỷ ban Kinh tế cơ bản nhất trí với mức vốn và nguồn vốn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đề xuất của Chính phủ. Để có căn cứ đánh giá một cách toàn diện, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ thêm ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài, bảo đảm sự đồng thuận, khả thi trong quá trình thực hiện tăng vốn điều lệ; bổ sung thông tin về thực trạng tỷ lệ an toàn vốn của Vietcombank so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước hiện nay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý phần lợi nhuận còn lại năm 2022, 2023 theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường năng lực tài chính cho Vietcombank, bù đắp mức thiếu hụt vốn tự có, bảo đảm an toàn hoạt động.
Về kế hoạch sử dụng vốn và tác động của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước, đa số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn cơ cấu sử dụng vốn được đầu tư bổ sung tại Vietcombank trên cơ sở bảo đảm phù hợp, thống nhất với mục đích đầu tư bổ sung vốn nhà nước, trong đó, trọng tâm là mở rộng hoạt động kinh doanh, cung ứng tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, thực thi các chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong định hướng giảm mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị hiện đại, đầu tư công nghệ số, cải thiện hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn đối với hiệu quả của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, trong đó có tác động tới chính ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. Có ý kiến đề nghị làm rõ nhận định “nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến ngân sách nhà nước” nêu tại trang 16 của Tờ trình.
Về hình thức văn bản, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tương tự như trường hợp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV); nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa vào Nghị quyết như đã nêu tại Tờ trình số 564/TTr-CP.
Ngoài những vấn đề nêu trên, trường hợp được Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank đúng thẩm quyền quyết định, khẩn trương thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, sử dụng vốn một cách hiệu quả; đồng thời chỉ đạo Vietcombank tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn và chiến lược phát triển của ngân hàng, thực sự đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành ngân hàng và cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khi Việt Nam đang tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng chiến lược và các ngành công nghệ cao.