Chính phủ đề xuất 8 cơ chế đặc thù đẩy nhanh các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trị nội dung phiên họp |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, xuất phát từ thực tiễn triển khai các CTMTQG và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các CTMTQG trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 8 cơ chế đặc thù tại Điều 4 gồm:
Thứ nhất, về cơ chế phân bố, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm: Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định của Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) để phân cấp cho các địa phương quyết định việc phân bổ chi tiết dự toán chi thường xuyên nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương đối với hai CTMTQG: giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như cơ chế đã được Quốc hội quyết nghị đối với CTMTQG xây dựng nông thôn mới (tại Nghị quyết số 25/2021/QH15).
Thứ hai, về cơ chế điều chỉnh dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm của CTMTQG, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế chưa được quy định tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất cho phép: HĐND cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, năm 2022, năm 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. Cho phép Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, năm 2022, năm 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Thứ ba, về cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về thủ tục hành chính (trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ) trong lựa chọn dự án phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm khác quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư, về cơ chế sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế khác quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15. Trong đó, đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hóa thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc phải thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hóa).
Thứ năm, về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để thí điểm áp dụng cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ cả nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và nguồn vốn tự có của chủ dự án (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, người dân).
Thứ sáu, về cơ chế ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù chưa được quy định cụ thể tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công để thí điểm áp dụng cơ chế cho phép địa phương sử dụng vốn tự cân đối của ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho một số đối tượng của các CTMTQG vay vốn ưu đãi trong thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình.
Thứ bảy, về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế thí điểm phân cấp để triển khai quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Trong đó, đề xuất cho phép HĐND cấp tỉnh được quyết định lựa chọn 1 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho HĐND cấp huyện quyết định
Thứ tám, về cơ chế giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hằng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, thực hiện quy định tại Nghị quyết số 25/2021/QH15, Chính phủ đã ban hành quy định về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện các dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
Trong đó, từ Điều 13 đến Điều 19 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP đã quy định tiêu chí lựa chọn dự án quy mô nhỏ kỹ thuật không phức tạp, quy trình lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ, lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án này...
Trong quá trình tổ chức thực hiện, cơ chế này đã tạo điều kiện cho địa phương phân cấp cho cấp xã thực hiện các loại dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp. Tuy vậy, địa phương phản ánh còn gặp khó khăn khi không thể xác định chính xác từng dự án này từ đầu giai đoạn để giao kế hoạch đầu tư công trung hạn; hằng năm phải mất nhiều thời gian thực hiện quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, phê duyệt dự án, phân bổ, giao kế hoạch hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trên cơ sở nguyện vọng của nhiều địa phương, Chính phủ đề xuất Quốc hội quyết nghị cơ chế đặc thù khác quy định tại Luật Đầu tư công. Trong đó, đề xuất quy định: Các địa phương được dự kiến một phần vốn trong trung hạn để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; không bắt buộc giao tên danh mục dự án này trong trung hạn; Hằng năm, các địa phương thực hiện phân bổ, giao kế hoạch chi tiết đến từng dự án cụ thể và đảm bảo không vượt mức vốn đã dự kiến trong trung hạn…