Chính phủ dự kiến sẽ vay hơn 600.000 tỷ đồng vào năm 2024
Bộ Tài chính: Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam có xu hướng giảm dần |
Năm 2024, Chính phủ dự kiến tổng nhu cầu vay 676.057 tỷ đồng. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Nợ công đến cuối 2023 khoảng 4 triệu tỷ đồng. Năm 2024, Chính phủ dự kiến tổng nhu cầu vay 676.057 tỷ đồng, trong đó gần 55,2% vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương.
Đó là nội dung Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Cuối 2024, dư nợ công khoảng 39-40% GDP
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023 bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục biến động mạnh, phức tạp, xung đột Nga-Ukraine kéo dài; áp lực lạm phát lớn, khiến nhiều nền kinh tế chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, tăng trưởng toàn cầu còn yếu.
“Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định chính trị-xã hội, kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, là một nền kinh tế có độ mở cao, nước ta đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế-xã hội nói chung có tác động không thuận lợi đến việc triển khai nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2023”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.
Về thực hiện hạn mức bảo lãnh Chính phủ, năm 2023 không cấp mới bảo lãnh cho các dự án vay trong nước và nước ngoài. Bảo lãnh phát hành cho các ngân hàng chính sách tối đa bằng trả nợ gốc đến hạn; riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội có tăng bảo lãnh phát hành để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Dự kiến thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2023 bằng 100% hạn mức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, ước thực hiện hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn 7.500 triệu USD, dư nợ vay ngắn hạn tăng khoảng 20% so với cuối năm 2022.
Năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục có biến động phức tạp. Trong nước, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế thông qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài… Tuy nhiên, với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, dự báo nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Với dự kiến vay, trả nợ của Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng như trên, trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2024, dư nợ công khoảng 39-40% GDP, nợ Chính phủ khoảng 37-38% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 38-39% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước khoảng 23-24%, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ dự kiến ở mức 8-9%, đảm bảo trong mức trần, ngưỡng được Quốc hội cho phép.
Về giải pháp chủ yếu hoàn thành kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng cần quán triệt quan điểm, đường lối, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách và nợ công của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ trưởng khuyến nghị cần chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khắc phục các tồn tại đã nêu liên quan đến huy động vốn vay cho ngân sách Nhà nước, giải ngân chậm vốn vay ODA và ưu đãi, mô hình quản lý nợ công và tăng cường công tác quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Bảo đảm an toàn nợ công
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng mặc dù các chỉ tiêu, tỷ lệ an toàn nợ công trong giai đoạn 2021-2023 và dự kiến 2 năm còn lại của giai đoạn trong hạn mức được Quốc hội quyết định, tuy nhiên một số chỉ số: Vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng; tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước năm 2024 đã tiệm cận mức trần theo Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ phân tích kỹ những vấn đề này, có giải pháp điều hành cân đối ngân sách Nhà nước chủ động, bảo đảm an toàn nợ công.
“Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích kỹ về hiệu quả sử dụng vốn vay, hiệu quả huy động vốn gắn với nhu cầu chi tiêu của ngân sách nhà nước. Qua số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước hàng năm cho thấy số chuyển nguồn ngân sách lớn, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài rất chậm, trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất, trả phí cam kết, cho thấy tình trạng lãng phí nguồn lực. Đề nghị Chính phủ đánh giá tổng thể về vấn đề này”, ông Lê Quang Mạnh nêu ý kiến.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương xem xét nghiêm túc, đánh giá toàn diện nguyên nhân vướng mắc, tính hợp lý của phương án huy động vốn và trách nhiệm trong huy động, phân bổ vốn ODA… để đề xuất giải pháp thiết thực, xử lý dứt điểm các tồn tại, hạn chế kéo dài, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay.