Chính phủ sẽ bơm hàng chục nghìn tỷ đồng tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp
Như tin đã đưa, sáng 25/12, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trình bày Dự thảo Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Tổng hợp các giải pháp giúp doanh nghiệp bán được hàng
Với nhóm giải pháp giảm hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, dự thảo đề ra mục tiêu giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm; giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng.
Cụ thể, triển khai các chính sách thuế, phí, bao gồm gia hạn 6 tháng thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp hoạt động gia công, kinh doanh nhà ở. Không ban hành chính sách thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, giảm thuế trước bạ với ôtô chở người 10 chỗ...
Hình minh họa
Trước đó, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh, do sức cầu yếu, tồn kho lớn, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, tình hình doanh nghiệp trong năm 2012 cũng có nhiều diễn biến không thuận. Tính đến cuối tháng 10, cả nước có 68.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10% về số lượng và 7,5% về vốn đăng ký. Trong khi đó, có 51.800 doanh nghiệp do khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản…
Về vốn tín dụng, sẽ tiếp tục hạ lãi suất phù hợp với mức giảm lạm phát. Có giải pháp hỗ trợ tín dụng với nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
Chính phủ cũng giao cho các tổ chức tín dụng dành lượng vốn hợp lý để cho các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ viên chức được vay mua, thuê nhà ở xã hội; cho vay doanh nghiệp xây dựng nhà ở, chuyển đổi công năng thành các dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý, kỳ hạn trả nợ phù hợp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng xem xét gia hạn thời gian cho vay đầu tư của Nhà nước từ 12 năm lên tối đa 15 năm với các dự án hạ tầng có quy mô lớn.
Đánh giá về những hạn chế nêu trên, Chính phủ cho rằng bên cạnh những yếu tố khách quan, Chính phủ cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do nội tại nền kinh tế đã tích tụ nhiều năm, cùng với những yếu kém trong quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện.
Hoàn chỉnh phương án giải quyết nợ xấu trong tháng 1/2013
Về giải quyết nợ xấu, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản… để có các giải pháp xử lý phù hợp với từng loại hình nợ xấu.
Với Bộ Tài chính, Chính phủ yêu cầu phải xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phát hành công cụ nợ của Chính phủ để xử lý nợ xấu của các ngân hàng chính sách, nợ xấu do cho vay theo chỉ định của Chính phủ, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước và phương án xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Xây dựng và triển khai phương án xử lý nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình thực hiện cơ cấu lại. Nghiên cứu trình Chính phủ trong quý II/2013 ban hành Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp thay thế Nghị định 69 ngày 12/7/2002 về xử lý nợ tồn đọng đối với các doanh nghiệp Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm của ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Nghiên cứu, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định về miễn, giảm thuế, phí liên quan đến mua bán nợ xấu và các tài sản bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng.
Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định an toàn hoạt động tín dụng nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng; tăng cường thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các quy định về tín dụng, an toàn hoạt động và phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ và hỗ trợ doanh nghiệp, bán nợ xấu cho các công ty quản lý tài sản, mua bán nợ; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đồng thời, triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai.
Hoàn thiện mô hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng (DATC) nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ tồn đọng và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Sử dụng nguồn tiền thu từ cổ phần hóa để bổ sung năng lực cho DATC.
Hoàn thiện các quy định tài chính về hoạt động sáp nhập, cổ phần hóa, xóa nợ, cơ cấu lại nợ, hoán đổi nợ thành vốn chủ sở hữu. Ban hành danh sách các công ty thẩm định giá, công ty kế toán, kiểm toán đủ tiêu chuẩn tham gia vào quá trình xử lý nợ xấu để xác định giá trị thị trường của doanh nghiệp, tài sản và các khoản nợ xấu.
Nghị quyết yêu cầu tích cực đánh giá, phân loại nợ, triển khai các biện pháp xử lý, giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thành đề án giải quyết nợ xấu, trình Bộ Chính trị và trình Chính phủ Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC) vào tháng 1/2013.
Hỗ trợ người lao động có khả năng mua được nhà để ở
Với thị trường bất động sản, Chính phủ sẽ rà soát các dự án nhà ở để xem xét các dự án được tiếp tục, phải dừng hoặc chuyển đổi công năng. Hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh, quản trị, khuyến khích chuyển sang kinh doanh nhà ở xã hội. Nghiên cứu sớm hình thành các định chế tài chính mới như quỹ tiết kiệm nhà ở, cơ quan tái thế chấp nhà ở, tạo kênh tái cấp vốn cho bất động sản.
Theo đó, các giải pháp chủ yếu sẽ bao gồm: giảm 50% tiền thuê đất năm 2013 - 2014 với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cho phép chủ đầu tư các dự án đã được cấp phép nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán nhà. Các giải pháp này trị giá khoảng 31.000 tỷ đồng, cộng với 3.000 tỷ đồng giảm tiền thuê đất.
Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 20.000 - 40.000 tỷ đồng để tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, thời hạn tối đa 10 năm để hỗ trợ các ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay các đối tượng kinh doanh nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng sẽ có giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với việc cho thuê và mua nhà ở xã hội, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động này để tạo điều kiện cho người dân sở hữu nhà ở và doanh nghiệp giải quyết tồn kho vật liệu xây dựng, dự án bất động sản…
Thuận Hải (tổng hợp)