Chính sách tiền lương mới: làm sao để người hưởng lương hưu không bị thiệt
Từ 10/4: Áp dụng chính sách tiền lương mới đối với khối doanh nghiệp Nhà nước Từ 1/7/2024: Bãi bỏ, giữ lại các loại phụ cấp nào? Để tăng lương thực sự phát huy hiệu quả |
Điều chỉnh lương hưu 3 nhóm đối tượng
Theo chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp sẽ không còn “mức lương cơ sở”. Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng.
Để phù hợp với chính sách tiền lương mới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thực hiện từ ngày 1/7/2024 cùng với chính sách tiền lương mới.
Điều chỉnh lương hưu đảm bảo công bằng giữa những người nghỉ hưu trước và sau 1/7/2024 |
Cụ thể, có 3 nhóm đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh lương hưu khi chính sách tiền lương mới có hiệu lực:
- Nhóm 01: Những người nghỉ hưu thông thường.
Với nhóm này, mức tăng lương hưu sẽ được tính toán hợp lý giữa khu vực đang làm việc với người nghỉ hưu, hài hòa giữa người cùng chức vụ trước và sau 1/7/2024.
Theo Bộ LĐTB&XH, việc điều chỉnh mức lương hưu không thấp hơn 50% so với mức tăng lương sau cải cách để đảm bảo hài hòa, cân đối, không để người nghỉ hưu thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
- Nhóm 02: Những người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024
Nhà nước cần áp dụng mức bù để giảm phần chênh lệch lương giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh việc áp dụng chính sách bảo hiểm xã hội, những người hưởng lương từ ngân sách khi về hưu được đảm bảo đầy đủ chế độ như người nghỉ hưu bình thường. Việc này nhằm đảm bảo công bằng và không để đối tượng này bị thiệt thòi khi cải cách tiền lương.
- Nhóm 03: Nhóm nghỉ hưu trước năm 1995.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, với nhóm đối tượng này, đề nghị Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền cho áp dụng những chính sách đặc biệt khi điều chỉnh lương hưu.
Dự kiến, các nội dung này sẽ có trong nghị định liên quan đến điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ trong thời gian sắp tới.
Căn cứ để xác định mức lương hưu mới
Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình Ban soạn thảo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có giải trình về quy định mức lương hưu thấp nhất: Khoản 5 Điều 56 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định mức lương hưu hàng tháng thấp nhất bằng mức lương cơ sở chỉ áp dụng đối với những người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Quy định này không áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hưởng lương hưu mà có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Sửa luật để tạo điều kiện cho nhiều đối tượng mới nhận lương hưu |
Bộ LĐTB&XH là cơ quan soạn thảo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nhấn mạnh: Chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TW là mở rộng bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Thể chế hóa chủ trương trên, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã sửa theo hướng giảm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu vùng cao nhất để phù hợp với khả năng của một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mới được bổ sung (người lao động làm việc không trọn thời gian, chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương,...).
Theo Chính phủ, các quy định Luật Bảo hiểm xã hội hiện tại không nêu rõ ràng về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất. Tuy nhiên, chỉ những người lao động đóng bảo hiểm xã hội có tiền lương tháng bằng, hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng, mới được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Vậy nên, sửa đổi giúp mở ra cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của một số nhóm đối tượng bổ sung, như: Người lao động làm việc không trọn thời gian; chủ hộ kinh doanh; người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng quy định điều chỉnh giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm để nhiều người có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng.
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 7 sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thông tin: “Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới”. Trước đó, nội dung về cải cách tiền lương cũng có trong Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024 được Quốc hội biểu quyết thông qua. Để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499.000 tỷ đồng. Cụ thể, chi cho cải cách tiền lương là 470.000 tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11.100 tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18.000 tỷ đồng. |