Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần quan trọng vào thành công chung của nền kinh tế
Nhiều thành công trong điều hành chính sách tiền tệ
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2023 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Lạm phát thế giới đã giảm song còn ở mức cao khiến nhiều NHTW trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng đô la Mỹ, giá dầu, giá vàng diễn biến phức tạp, sự đổ vỡ của một số ngân hàng ở Mỹ và châu Âu…là những yếu tố tác động tới kinh tế, tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam.
Ở trong nước, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp mặc dù có sự cải thiện nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nên vẫn tạo áp lực đối với nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng. Dư âm của sự cố rút tiền hàng loạt tại SCB vào cuối năm 2022 tác động lớn tới thanh khoản, tâm lý thị trường, khiến các tổ chức tín dụng (TCTD) thận trọng hơn trong việc quản trị và cân đối nguồn vốn tín dụng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị |
Theo Thống đốc, tất cả những yếu tố nêu trên tạo thách thức vô cùng lớn đối với việc điều hành của Chính phủ, nhất là khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cửa cao, tăng trưởng kinh tế nhiều năm dựa vào xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời nhận định tình hình đề ra các chủ trương, định hướng và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, kết thúc năm 2023, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% (tuy thấp hơn mục tiêu nhưng là mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực), lạm phát được kiểm soát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tạo động lực bền vững trong thời gian tới.
Đối với ngành Ngân hàng, Thống đốc cho biết, ngay từ đầu năm và cả năm 2023, NHNN đã ứng phó với sự chắc chắn, chủ động và linh hoạt với diễn biến tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động và về cơ bản đã góp phần vào thành tựu chung về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Sự chắc chắn, chủ động, linh hoạt của chính sách tiền tệ năm 2023 thể hiện qua việc NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết tiền tệ hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,25% (thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra), ổn định tỷ giá, VND mất giá chưa đến 3%, dự trữ ngoại hối nhà nước được cải thiện trở lại… nhờ sự kết hợp nhịp nhàng, hài hòa giữa điều hành lãi suất, tỷ giá và điều tiết tiền tệ phù hợp với những diễn biến tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, và dự báo sức ép lạm phát không lớn, NHNN đã chủ động điều hành, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 5,05%. Cụ thể, mặc dù mặt bằng lãi suất thế giới vẫn ở mức cao nhưng NHNN đã mạnh dạn 4 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, duy trì thanh khoản dồi dào để hỗ trợ các TCTD giảm lãi suất cho vay, đưa mặt bằng lãi suất cho vay mới trở về mức trước dịch Covid-19, giảm khoảng hơn 2% so với cuối năm 2022.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu |
Đồng thời, NHNN cũng điều hành tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Song song với đó, NHNN ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như Thông tư 02 cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn. Ban hành Thông tư 03, Thông tư 06 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.... Tổ chức 460 chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trên toàn quốc. Kết quả, đến hết năm 2023 tín dụng tăng khoảng 13,5%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm 2022. “Cung ứng vốn cho nền kinh tế tiếp tục tăng, đây là một thành công đáng được ghi nhận và là kết quả của sự quan tâm, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành và sự tổ chức điều hành bình tĩnh và bản lĩnh của NHNN”, Thống đốc chia sẻ.
Ngoài ra, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” được tích cực triển khai. Việc định giá các Ngân hàng chuyển giao bắt buộc dù chưa có tiền lệ nhưng đến nay về cơ bản đã hoàn thành, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết trong thời gian tới.
Trong năm qua, hệ thống ngân hàng cũng tiếp tục tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Cụ thể, năm 2023, nhiều giải pháp được triển khai ở cấp độ NHNN như ban hành khuôn khổ pháp lý, tích cực thực hiện dịch vụ công của quốc gia; chỉ đạo các TCTD cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ đã được số hoá 100%, kết nối dữ liệu dân cư theo Đề án 06, tăng cường truyền thông... góp phần giảm chi phí cho nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng tiện ích cho người sử dụng, góp phần giảm tín dụng đen. Kết quả NHNN luôn là một trong số các bộ, ngành đi đầu trong quá trình chuyển đổi số. Chỉ trong năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng tới 50-99% tùy phương thức thanh toán, qua đó góp phần giảm chi phí thanh toán, tăng cường tính minh bạch trong nền kinh tế.
Ngoài ra, các mảng công việc trọng tâm khác như công tác cải cách hành chính, xây dựng hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, công tác đối ngoại, truyền thông… tiếp tục được triển khai tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của toàn Ngành trong năm qua.
Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động, hiệu quả
Năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong nước, nền kinh tế dự kiến vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo NHNN cho biết, NHNN tập trung vào một số định hướng, giải pháp trọng tâm. Đó là theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo Chương trình hành động năm 2024 của NHNN |
Về lãi suất, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Tỷ giá được điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Về tín dụng, NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Song song với đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, ngành Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tháo gỡ và thúc đẩy mở rộng tín dụng tiêu dùng đi đôi với an toàn, lành mạnh, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Quyết liệt triển khai hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các TCTD yếu kém. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các NHTM yếu kém) dưới 3%; Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật ngân hàng nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện hồ sơ dự án Luật các TCTD (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Xây dựng, trình ban hành/ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết sau khi Luật các TCTD (sửa đổi) được ban hành.
Chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh trong thời gian tới đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.