Chính sách tiền tệ đã tác động tích cực đến thị trường
Tỷ giá ổn định giúp doanh nghiệp vơi nỗi lo Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả |
Chính sách tiền tệ đã làm rất tốt
Trong suốt thời kỳ dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu, các NHTW các nước đã bơm ra 25.000 tỷ USD. “Cơn lũ tiền” này tập trung vào hỗ trợ trực tiếp người dân và triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính mà ít đi vào sản xuất đã khiến lạm phát bật tăng ở nhiều quốc gia. Khi đại dịch qua đi, chính sách tiền tệ ở nhiều nước vẫn ở trạng thái nới lỏng. Mãi đến cuối năm 2022, NHTW một số quốc gia như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh mới đổi hướng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Trong bối cảnh chịu sức ép lớn cả từ bên trong và bên ngoài, ông Bảo đánh giá, NHNN Việt Nam đã điều hành chính sách tiền tệ thành công, mang lại những kết quả tích cực. “Việc NHNN liên tiếp giảm 4 lần lãi suất điều hành và triển khai đồng loạt nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế đã giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Bảo nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, việc NHNN liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành đã tác động tích cực đến thị trường; đặc biệt hỗ trợ các NHTM giảm mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Theo ông Lệnh, chính sách này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhiều ngành nghề tăng cơ hội tiếp cận vốn vay mới và hưởng các chính sách ưu đãi tài chính, tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như các bộ ngành, địa phương.
Lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhiều cơ hội tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi |
Cơ hội giảm thêm lãi suất cho vay
Theo các chuyên gia, với môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định như hiện nay, lạm phát chưa đến 4% và mặt bằng tiền gửi giảm mạnh, thì dư địa để giảm lãi suất cho vay của hệ thống TCTD là vẫn còn. PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, hiện nay lạm phát toàn cầu đang có xu hướng giảm mạnh, tạo tiền đề cho NHTW các nước nới lỏng chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng đến đầu năm 2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tiến hành giảm lãi suất. Bên cạnh đó, lượng tồn kho hàng hóa trên thế giới đã chạm đỉnh vào cuối tháng 4/2023. Vì thế, từ quý II/2023 sau những nỗ lực giải phóng hàng tồn, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở nhiều thị trường quốc tế lớn đã tăng trở lại. Điều này tạo điều kiện cho xuất khẩu phục hồi.
Tại Việt Nam, hiện việc giải ngân đầu tư công đang khá tích cực, lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã có sự “nhúc nhích” trong giao dịch; hoạt động du lịch cũng ghi nhận tăng trưởng nhanh tại nhiều địa phương sau 6 tháng đầu năm. Chính vì vậy, cầu tín dụng trong các ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ tiếp tục hồi phục vào các quý cuối năm. Khi đó, các chính sách hỗ trợ tài chính và tín dụng của Chính phủ, NHNN sẽ phát huy tác dụng tốt hơn so với giai đoạn đầu năm.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, những tín hiệu tốt từ kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chính là cơ sở để kỳ vọng chính sách tiền tệ tiếp tục được NHNN điều hành linh hoạt theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Trung sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ sẽ nhắm chủ yếu vào khối sản xuất kinh doanh, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ được hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh nhưng cũng sẽ giới hạn ở những lĩnh vực ưu tiên, còn những lĩnh vực khác thì vẫn phải tuân thủ các quy định quản trị rủi ro tín dụng”, ông Trung nhận định.