Cho tách thửa không phải để phân lô bán nền
Trong thời gian qua, người dân các quận huyện vùng ven như quận 12, quận 9, quận Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè... liên tục bức xúc xung quanh việc tách thửa đất. Theo quy định hiện hành, việc tách thửa đối với đất nông nghiệp chỉ được giải quyết đối với đất quy hoạch để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều khu vực thực tế đang là đất nông nghiệp nhưng đã được quy hoạch là đất dân cư xây mới hoặc đất hỗn hợp. Do đó, người dân có đất nông nghiệp trong những quy hoạch này không được giải quyết tách thửa.
Nhiều người dân phản ánh, gia đình có đất san lấp cải tạo khi xin được thực hiện phân lô tách thửa theo Quyết định 60 thì được coi là đất ở hiện hữu cải tạo, khu dân cư xây dựng mới… và các cơ quan chức năng không tiếp nhận hồ sơ. Điều này khiến người dân không thể thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình, mặc dù thửa đất của họ đã được chuyển thành đất ở và đã nộp tiền sử dụng đất đầy đủ cho Nhà nước.
Việc tách thửa theo quyết định mới của UBND TP.HCM có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ |
Theo một cán bộ phòng Tài nguyên môi trường huyện Bình Chánh, việc tách thửa không làm thay đổi bản chất quy hoạch. Do đó, nếu người dân có nhu cầu thì cần xem xét giải quyết cho dân. Trên thực tế, tại huyện Bình Chánh, trường hợp này rất nhiều nhưng vướng quy định không tách thửa được nên người dân rất bức xúc. Hay như quận 12, hiện nay có đến 9 loại đất ở được phê duyệt như đất biệt thự vườn, đất dân cư xây mới, đất dân cư kết hợp phát triển du lịch, đất mật độ cao, mật độ thấp…
Trước đó, UBND quận Bình Thạnh có văn bản kiến nghị liên quan đến quy định tách thửa và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn tại khu vực Bình Quới - Thanh Đa, phường 28, quận Bình Thạnh. Theo đó, diện tích đất tự nhiên tại phường 28, quận Bình Thạnh là 549,43ha; dân số 14.722 người với 4.404 hộ. Từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt liên quan đến khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa. Chính các nội dung này làm cho người dân không được tách thửa, chỉ được giải quyết cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để sửa chữa, cải tạo công trình.
Theo ý kiến của nhiều người dân, đối với các khu vực trước đây đã được phân định trong quy hoạch - dù là đất ở xây dựng mới hay đất ở chỉnh trang - nhưng sau 5 năm kể từ khi công bố quy hoạch theo quy định, nếu thực tế hiện trạng đã có nhà ở và cư dân sinh sống đúng luật pháp thì nay phải được coi là đất ở hiện hữu. Song song với việc này, cần công khai các trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật.
Xung quanh vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, mục tiêu của Quyết định 60 là cho phép giải quyết tách thửa đất ở để phục vụ nhu cầu của người dân muốn tách thửa để giải quyết các nhu cầu chính đáng cho cuộc sống, chứ không phải hướng dẫn tách thửa để thực hiện dự án nhà ở.
Sắp tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sơ kết đánh giá một năm thực hiện Quyết định 60, chỉ ra những điểm thực hiện không đúng, đồng thời tái khẳng định rõ mục đích của chủ trương tách thửa.
Tuy nhiên, một cán bộ ngành tư pháp cho rằng không nên phân biệt việc tách thửa để ở hay tách thửa để bán, chỉ cần các yếu tố về mặt kỹ thuật, quy hoạch, nếu đảm bảo theo quy định thì nên giải quyết. Trên thực tế, một số người dân sau khi tách thửa chia cho con, số lô đất còn lại họ bán để lo cho gia đình là hoàn toàn chính đáng. Do đó, các ngành chức năng không nên quá máy móc về chuyện này. Vấn đề là giám sát để thực hiện cho đúng.
Dựa trên tình hình thực tế, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá hiện việc tách thửa theo quyết định mới của UBND TP.HCM có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Vì vậy, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND thành phố tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện Quyết định 60 trong thời gian qua.