Cho vay bất động sản: Ngân hàng sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khách hàng
Đầu tư sao với ngân hàng, bất động sản? Doanh nghiệp bất động sản mong mỏi tháo gỡ vướng mắc pháp lý Quyết liệt gỡ khó cho thị trường bất động sản Vốn ngân hàng vẫn chảy vào bất động sản |
Hiện tại, các doanh nghiệp BĐS vẫn đang mong muốn ngân hàng tạo điều kiện hơn nữa để họ có thể tiếp cận vốn vay. Ở góc độ ngân hàng, quan điểm đối với cho vay BĐS như thế nào?
Có thể nói hiện nay, ngân hàng đã cố gắng tạo điều kiện tối đa cho người dân cũng như các doanh nghiệp kinh doanh BĐS. So với năm 2022, năm nay thuận lợi hơn rất nhiều vì lãi suất thấp hơn, room tín dụng cũng rất dư dả chứ không căng thẳng như trước. Hiện, ngân hàng đang triển khai các chương trình cho vay mua nhà ở với mức lãi suất khá ưu đãi chỉ khoảng 8-9%/năm, giảm từ 2-3%/năm so với trước, thậm chí có đối tượng được giảm tới 4%/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng của hệ thống nói chung, TPBank nói riêng, vẫn đang thấp. Do đó, các ngân hàng đều mong muốn tìm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các nhà phát triển BĐS tiếp cận tín dụng.
Vấn đề vướng hiện nay trong lĩnh vực BĐS là về pháp lý |
Như ông chia sẻ, lãi suất cho vay đang hạ nhiều so với trước. Tuy nhiên, có ý kiến doanh nghiệp BĐS cho rằng lãi suất vẫn chưa giảm tương ứng so với lãi suất huy động. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Các khoản vay đối với lĩnh vực BĐS đa phần là trung và dài hạn. Nhưng quy định của pháp luật chỉ cho phép ngân hàng sử dụng tối đa 30% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn. Muốn cho vay những dự án như vậy bắt buộc ngân hàng phải đi tìm kiếm các nguồn vốn trung, dài hạn, mà lãi suất huy động nguồn vốn trung, dài hạn cao hơn so với lãi suất huy động vốn ngắn hạn khoảng 2,5-3%/năm. Thế nên, mức lãi suất huy động trung, dài hạn của các ngân hàng đâu đó khoảng trên 7%/năm.
Ngay cả vay vốn của tổ chức tài chính quốc tế ở thời điểm này cũng có lãi suất cao hơn vay đồng VND. Như tôi chia sẻ ở trên, lãi suất hiện nay cũng đã rất thuận lợi đối với doanh nghiệp cũng như người mua BĐS.
Doanh nghiệp BĐS cũng mong muốn ngân hàng giữ mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Theo ông điều này có thể thực hiện được không?
Việc giữ mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay sẽ không phù hợp đối với các khoản vay BĐS. Bởi các khoản cho vay mua nhà, kinh doanh BĐS có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa. Nếu chốt cứng mức lãi suất như vậy thì ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro lãi suất huy động cao và cho vay thấp. Điển hình như cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngân hàng đã huy động vốn với lãi suất từ 10-12%/năm và đến thời điểm này, ngân hàng vẫn đang phải trả lãi cho khoản tiền gửi đó. Trong khi lãi suất huy động đang xuống dưới 10%/năm, tức là ngân hàng đang lỗ lớn từ những khoản huy động trước. Đó là lý do vì sao ngân hàng phải thả nổi lãi suất cho các khoản vay trung, dài hạn.
Chưa kể hệ số rủi ro cho vay kinh doanh BĐS hiện ở mức 200%, cao gấp đôi so với các khoản vay bình thường, nên ngân hàng buộc phải duy trì một lượng vốn tự có khá lớn. Điều này cũng làm cho chi phí vốn của ngân hàng tăng lên.
Tuy nhiên, trong năm 2023, TPBank cũng cam kết với NHNN dự kiến sẽ giảm lãi suất đối với khoảng 1.400 tỷ đồng cho khách hàng, trong đó khách hàng vay kinh doanh BĐS cũng được hưởng lợi từ chương trình này.
Ngoài ảnh hưởng khó khăn từ nền kinh tế, theo ông đâu là lý do doanh nghiệp BĐS thận trọng đầu tư và ngân hàng cẩn trọng trong cho vay BĐS?
Vấn đề vướng nhất hiện nay với lĩnh vực BĐS là về pháp lý. Trước đây, các doanh nghiệp BĐS vừa làm vừa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bởi rất ít dự án hoàn thiện hồ sơ pháp lý ngay từ đầu, và ngân hàng cũng thường song hành cùng doanh nghiệp từ giai đoạn đầu vì tin tưởng rằng sau đó doanh nghiệp sẽ hoàn thiện các vấn đề pháp lý. Nhưng thời gian vừa qua, trên thực tế đã xảy ra không ít trục trặc về thủ tục pháp lý liên quan đến các bộ, ngành. Bên cạnh đó, cũng có tập đoàn, công ty chưa “chuẩn chỉnh” trong khâu hồ sơ, thủ tục pháp lý nên một số dự án mắc lại và không xử lý được.
Còn đến thời điểm này, các quy định cho vay chặt chẽ hơn, đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ “chuẩn chỉnh” về thủ tục pháp lý thì ngân hàng mới có thể cho vay được. Do vậy, nếu như giải quyết được vấn đề pháp lý sớm cho doanh nghiệp thì sẽ gỡ được cả cho ngân hàng.
Thực tế là ngân hàng đã và đang rất sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ khách hàng. Có những dự án các thủ tục pháp lý đã đầy đủ nhưng doanh số bán ra còn khá thấp, mặc dù vậy ngân hàng vẫn cố gắng tài trợ cho doanh nghiệp để họ hoàn thành dự án và thực hiện đúng cam kết với người mua nhà trước đó.
Xin cảm ơn ông!