Cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử
Chẳng hạn VPBank vừa công bố đưa vào vận hành hệ thống phê duyệt tự động VPBank Race cho mọi khoản vay thế chấp của cá nhân, hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu vay vốn mua ô tô, bất động sản, kinh doanh… Trung bình phê duyệt một hồ sơ vay online có tài sản thế chấp như hệ thống VPBank Race mất khoản 5 phút thay vì mất từ 4-8 tiếng đồng hồ hoặc thậm chí nhiều ngày làm việc. Các khâu được xem xét, phê duyệt online bao gồm điều kiện vay vốn ngân hàng, hạn mức, tài sản và tất cả các nghĩa vụ nợ hiện tại của khách hàng, mức lãi suất, kỳ hạn cho vay tương ứng với hồ sơ tài sản của khách hàng...
Ảnh minh họa |
Thông thường, với các khoản vay kinh doanh có tài sản đảm bảo của hộ kinh doanh cá thể, ngân hàng thẩm định khoản vay dựa trên kết quả lợi nhuận 6 tháng gần nhất, độ lớn nguồn thu, dòng tiền, nguồn hàng kinh doanh luân chuyển… Theo VPBank, hệ thống tự động này giúp giảm thiểu rủi ro vận hành và tiết kiệm chi phí, từ đó ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay.
Lãnh đạo một NHTMCP cho biết, trước đây ngân hàng cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp thường dựa trên báo cáo tài chính, tài sản đảm bảo là bất động sản và động sản để ra quyết định cho vay. Hiện nay khi cho vay trên môi trường số, ngân hàng lựa chọn lịch sử bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử để thu thập thông tin khách hàng. Để làm được điều này thì bản thân ngân hàng và doanh nghiệp phải có kết nối giao thoa chặt chẽ với nhau. Các hoạt động của doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, quản trị hàng tồn kho, đơn hàng bán hàng ngày… phải giao thoa về mặt nền tảng công nghệ, ngân hàng mới nắm bắt được thông tin khách hàng. Từ đó, ngân hàng mới có căn cứ để tạo ra sản phẩm cho vay online phù hợp ngay tức thì và ngân hàng không mất thời gian của khách hàng khi thẩm định khoản vay.
Trước đó, một số ngân hàng như HDBank, ACB, Sacombank… cho vay online đối với khách hàng cũ trên nền thông tin lịch sử đã vay vốn tại ngân hàng, thông qua việc nhập dữ liệu trên hệ thống của ngân hàng để không phải thực hiện các khâu thẩm định lại tài sản.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, tới đây NHNN sẽ hoàn thiện sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng. Theo các chuyên gia, đây sẽ là một cú huých thúc đẩy phương thức cho vay online.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN đã bổ sung Điều 24a về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử:
1. TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCTD.
2. TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận.
3. Trường hợp để nhận biết và xác minh khách hàng vay vốn qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, TCTD phải có biện pháp, hình thức công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các giấy tờ tùy thân gắn với khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được cấp phép hoặc với thông tin tại kho dữ liệu khách hàng của TCTD.