Cho vay tín chấp: Khách hàng cần, ngân hàng muốn
Vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo, không cần công ty bảo lãnh, nên cho dù lãi suất có nhỉnh hơn khoản vay thông thường vẫn được nhiều khách hàng chọn lựa. Trên thực tế, việc cho vay tín chấp ở các NH nước ngoài là chuyện không mới, thậm chí phổ biến và được khuyến khích. Nhưng ở Việt Nam, loại hình tín dụng này mới được chú ý trong những năm gần đây.
Đặc biệt sau khi NHNN có văn bản số 5342 ngày 24/7/2014 khuyến khích các TCTD cho vay tín chấp, thì một số NH đã coi đây như là một trong những định hướng phát triển trọng tâm. Nhưng về phía khách hàng, vay dễ không đồng nghĩa với việc trả dễ. Với những khoản vay vốn được xem là nhỏ, việc xảy ra tình trạng nợ đọng từ việc vay tín chấp có thể dẫn NH tới nhiều rủi ro khác.
Vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo được nhiều khách hàng chọn lựa |
Đại diện một NHTM thừa nhận, trong cho vay tín chấp với đối tượng DN hay khách hàng cá nhân (món vay nhỏ hơn), thì mức độ rủi ro vẫn phụ thuộc nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Do đó, NH không thể xem nhẹ việc cho vay tín chấp đối với bất kỳ đối tượng nào, bởi cho vay không tài sản đảm bảo càng nhiều, rủi ro càng lớn. Và khi điều này xảy ra, dù ở mức độ nào thì thiệt thòi nhất vẫn luôn thuộc về phía NH.
Mâu thuẫn ở đây là việc các NHTM muốn đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các định chế tài chính khác, nhưng cùng với đó là sự e dè, cân nhắc khi duyệt cho vay tín chấp. Không chỉ vì hành lang pháp lý cho hoạt động này chưa thật sự chặt chẽ, mà trực tiếp hơn là những quy định về trách nhiệm của khách hàng. Do đó, với NH thì làm sao để lựa chọn đối tượng cho vay tín chấp để không xảy ra rủi ro, nếu có, thì ở mức thấp nhất luôn là bài toán khó.
Cán bộ tín dụng một NHTM lớn cho biết: Mỗi NH đều có những quy định cụ thể về việc cho vay tín chấp, có những sản phẩm riêng phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Điều kiện tiên quyết để đánh giá DN, khách hàng cá nhân có khả năng trả nợ khoản vay hay không, là xem xét thật kỹ lưỡng năng lực tài chính và khả năng trả nợ của DN, khách hàng thông qua phương án kinh doanh, kê khai bảng lương, hợp đồng lao động, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ…
Nếu là DN cần đảm bảo có thanh khoản tốt, thị trường rộng, khả năng sinh lời lớn, báo cáo tài chính minh bạch 3 năm gần nhất, phương án khả thi… “Việc xem xét này không đảm bảo hoàn toàn việc có thể giúp NH không gặp rủi ro, nhưng phần nào đó có thể giảm thiểu xuống mức thấp” - anh này thừa nhận.
Một trong những căn cứ đang được NH sử dụng để cho vay tín chấp là xếp hạng tín dụng của từng DN cũng như khách hàng cá nhân. Đặc biệt, đối với những NH đang triển khai Basel II, thì việc dựa trên xếp hạng nội bộ để đánh giá rủi ro tín dụng khá thuận lợi.
Tuy nhiên, trưởng phòng tín dụng của một NHTMCP lớn cho biết: không chỉ dựa trên những con số kế toán hay lịch sử tín dụng của khách hàng, mà cán bộ tín dụng phải có đủ kiến thức, kinh nghiệm để “sàng lọc” khi tiếp cận hồ sơ vay tín chấp, đánh giá trên nhiều góc độ về tính khả thi, hiệu quả cũng như khả năng trả nợ của khách hàng muốn vay tín chấp.
Thông thường các NH đều phân loại khách hàng dựa trên các yếu tố như: khách hàng lâu năm, chưa từng phát sinh nợ khó đòi, có nguồn thu nhập ổn định. Khách hàng có nhu cầu vay tín chấp ngày càng nhiều và bản thân các NH cũng muốn đẩy mạnh phương thức cho vay này.
Nhưng trong khi chờ NHNN có những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động cho vay tín chấp, thì bản thân các NHTM luôn phải chủ động cân nhắc, chọn lọc và xem xét, kiểm tra chặt chẽ với từng đối tượng dù là DN hay khách hàng cá nhân trước khi quyết định cho vay, tránh để ảnh hưởng tới thanh khoản, phát sinh nợ khó đòi.