Cho vay tín chấp tăng
MSB vừa đưa ra hàng loạt sản phẩm tài trợ vốn vay cho doanh nghiệp nhỏ không cần tài sản đảm bảo: gói cho vay bổ sung vốn lưu động với hạn mức vay 500 triệu đồng; gói cho vay thấu chi cho doanh nghiệp thanh toán nhanh chi phí hóa đơn, điện nước với hạn mức 500 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng; gói bảo lãnh với hạn mức bảo lãnh ký quỹ đến 6 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân hàng này còn có gói tài trợ toàn diện có tài sản bảo đảm với giá trị tài trợ đến 6 tỷ đồng hoặc gấp 1,5 lần giá trị tài sản đảm bảo, thời gian tài trợ kéo dài 36 tháng với lãi suất ưu đãi.
Theo MSB, để thiết kế các gói cho vay kể trên, ngân hàng đã chủ động thiết lập cổng dịch vụ: vaynhanhsme.msb.com.vn để thu thập hồ sơ, nhu cầu vay vốn và đăng ký vay vốn trực tuyến (online). Ngân hàng cam kết sẽ phản hồi lập tức và liên hệ khách hàng để hoàn thiện hồ sơ vay trong 24 giờ làm việc. Nếu khách hàng chọn hình thức thẻ tín dụng doanh nghiệp MSB Visa Mbusiness, ngân hàng sẽ ưu đãi hoàn tiền thêm tối đa 2 triệu đồng/khách hàng khi chi tiêu trong trong 30 ngày đầu mở thẻ và miễn lãi trong 45 ngày ứng vốn.
Các ngân hàng đẩy mạnh “bơm vốn” hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi |
Việc đồng loạt tung ra các gói tài trợ vốn với hạn mức tín chấp cao như trên không chỉ ở MSB. Trên thị trường hiện nay nhiều ngân hàng cũng đã đẩy mạnh triển khai các sản phẩm tín dụng tài trợ vốn cho DNNVV mà không yêu cầu phải đảm bảo bằng tài sản hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo khoản vay là các hợp đồng xuất khẩu, nguồn tiền doanh nghiệp dự kiến sẽ thu trong tương lai...
Chẳng hạn, VPBank vừa qua đã nâng hạn mức gói cho vay không cần đảm bảo bằng tài sản lên mức 3 tỷ đồng với thời hạn vay 36 tháng, đồng thời giảm 2% lãi suất cho tất cả các khoản vay áp dụng gói này. Ngân hàng cũng chủ động thiết lập cổng dịch vụ trực tuyến: bit.ly/vontinchaponline để hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay bổ sung vốn lưu động, mở rộng quy mô, mua sắm tài sản cố định hoặc sửa chữa nhà xưởng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, tại VietinBank, Sacombank,… các gói vay tín chấp tiêu dùng với giá trị lớn cũng được thúc đẩy. Trong đó, VietinBank triển khai song song hai sản phẩm là Cho vay tín chấp tiêu dùng (với mức lãi suất 9,6-10%/năm, hạn mức cho vay tối đa 500 triệu đồng với thời hạn 60 tháng) và Cho vay thấu chi online (áp dụng cho các khách hàng doanh nghiệp có tài khoản tiết kiệm tại VietinBank iPay, dùng tài khoản này để làm tài sản đảm bảo để vay vốn hạn mức tối đa 1 tỷ đồng). Sacombank đầu tháng 12 cũng tung ra thị trường gói vay trả góp hàng tháng thông qua ứng dụng Sacombank Pay (hạn mức vay tối đa 50 triệu đồng, thời hạn vay 2 năm)…
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện các ngân hàng như ACB, MB, MSB… đều triển khai các gói cho vay tín chấp tài trợ xuất khẩu theo từng lĩnh vực ngành hàng. MB là ngân hàng thiết kế riêng cho nhóm doanh nghiệp ngành gỗ và chế biến thủy sản một loạt sản phẩm tín dụng đặc thù, bao gồm: tài trợ vốn lưu động, cho vay trung dài hạn, thấu chi, chiết khấu, tái tài trợ và bao thanh toán cho các nhà cung cấp lớn của khách hàng. Cụ thể, MB tài trợ tối đa 100% giá trị hợp đồng và 90% nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, chấp nhận tài sản thế chấp là 100% nguồn thu từ L/C; đối với các doanh nghiệp thủy sản, ngân hàng cũng cho vay tối đa 100% giá trị hợp đồng, nhận tài sản thế chấp đa dạng, bao gồm: hàng tồn kho, quyền đòi nợ, máy móc thiết bị đã hết khấu hao, phương tiện vận tải đường thủy.
Trong khi đó, ACB đưa ra gói tài trợ thế chấp lô hàng, áp dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua hàng trong nước hoặc nhập khẩu. Các khách hàng có thể ứng vốn với giá trị bằng 80% giá trị lô hàng từ phía ngân hàng và thế chấp bằng chính lô hàng đó (bao gồm: hạt nhựa, thép, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, xe ô tô) để vay vốn. Ngân hàng có thể giải ngân bằng ngoại tệ hoặc VND theo nhu cầu của khách hàng, thời gian tài trợ tối đa 6 tháng với lãi suất ưu đãi và giải chấp nhiều lần trong thời gian vay…
Những diễn biến trên cho thấy, càng bước vào thời điểm cuối năm hoạt động đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và đa dạng hóa các sản phẩm tài trợ vốn hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh càng được hệ thống ngân hàng tập trung thúc đẩy. Trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm DNNVV (ở đa số các ngành nghề) đều bị ảnh hưởng khá nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 thì động thái nới rộng tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo hoặc chấp nhận tài sản đảm bảo là các nguồn thu từ tương lai chính là động thái đồng hành, san sẻ rủi ro của các ngân hàng. Đó cũng chính là giải pháp tích cực và thiết thực mà cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi từ hệ thống ngân hàng để có thể tiếp cận, vay đủ nguồn vốn nhằm phục hồi sản xuất kinh doanh sau giai đoạn bị đứt gãy về nguồn hàng, về chuỗi kết nối thị trường và cạn hụt tài sản thế chấp.