Cho vay tín chấp với học sinh, sinh viên
Thưa ông, thời gian qua hoạt động cho vay đối với học sinh, sinh viên trên địa bàn được thực hiện như thế nào?
Có thể nói ngành Ngân hàng đã và đang tạo mọi điều kiện đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung và cho học sinh, sinh viên nói riêng. Hoạt động này nằm trong chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong đó có chính sách tín dụng, hỗ trợ vốn cho học sinh, sinh viên nghèo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã và đang phát huy hiệu quả và mang lại hiệu ứng chính sách rất lớn trong suốt thời gian qua.
Tuy nhiên, đến nay mới có những học sinh, sinh viên thuộc đối tượng chính sách được tiếp cận tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Vẫn còn một bộ phận lớn sinh viên còn lại không thuộc đối tượng chính sách này cũng có nhu cầu vốn để trang trải học phí, sinh hoạt phí. Xuất phát từ thực tiễn đó và ý nghĩa của việc đầu tư cho giáo dục, nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai và nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, UBND TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án phát triển tín dụng học sinh, sinh viên.
Cụ thể, chương trình cho vay học sinh, sinh viên của TP. Hồ Chí Minh như thế nào?
UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng đề án cho vay hỗ trợ học sinh, sinh viên trên địa bàn, với những giải pháp có tính đột phá. Trong đó, các NHTM cho vay, nhưng yêu cầu như chính sách cho vay của NHCSXH, để đảm bảo về lãi suất, về thời hạn vay và đặc biệt là cho vay hình thức tín chấp.
Đề án này được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính (học phí và sinh hoạt phí) cho học sinh, sinh viên thuộc tất cả các đối tượng có nhu cầu vay vốn. Về chủ trương, những học sinh, sinh viên đang học tại các trường đại học, có khó khăn về tài chính và có nhu cầu vay vốn phục vụ cho việc học tập, được các trường đại học và Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh giới thiệu, xem xét, đánh giá và xác định nhu cầu thực của học sinh, sinh viên, lập danh sách gửi các NHTM để xét duyệt cho vay.
Vì vậy về mặt tổ chức thực hiện đề án này đòi hỏi trách nhiệm của các cơ quan đơn vị phối hợp thực hiện là rất lớn, cũng như trách nhiệm xã hội của các NHTM và của cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải có cơ chế xử lý rủi ro; có quỹ để dự phòng rủi ro và cấp bù lãi suất; trách nhiệm phối hợp trong thu hồi nợ nếu phát sinh rủi ro… Về phía người vay, vì vay tín chấp nên cần đáp ứng đưa ra những tiêu chí, điều kiện để sinh viên ý thức và trách nhiệm trong vay trả nợ ngân hàng và trở thành động lực để học sinh sinh viên học tập và trưởng thành. Yêu cầu này sẽ do các trường đại học và Thành đoàn thực hiện, có sự tham gia của NHTM.
|
Hình thức cho vay, mức cho vay, lãi suất cho vay, thời gian cho vay… Tất cả các yếu tố kỹ thuật này đang được nghiên cứu xây dựng. Nhưng phải đảm bảo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu vốn cho học sinh, sinh viên để trang trải học phí, sinh hoạt phí, với lãi suất ưu đãi và thời gian phù hợp với thời gian học của học sinh sinh viên. Về cơ bản sẽ tham chiếu các tiêu chí và chỉ tiêu của chương trình tín dụng chính sách cho vay học sinh sinh viên của Chính phủ đã ban hành và đang được NHCSXH triển khai.
Theo ông, đề án sẽ chính thức được triển khai từ khi nào?
Theo chỉ đạo và yêu cầu của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh thì đề án phải được thực hiện ngay, bắt đầu từ năm học mới 2023-2024, trước mắt với quy mô ở mức độ thí điểm, để lấy kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm, hoàn thiện đề án, sau đó mới triển khai chính thức.
Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!