Chọn lọc cho vay nông nghiệp công nghệ cao
Gần 28.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao Đẩy mạnh cho vay nông nghiệp công nghệ cao |
Rủi ro với đầu tư công nghệ cao theo... phong trào
Triển khai Quyết định số 178/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh và Agribank tại địa phương xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho vay đầu tư nhà kính đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời nghiên cứu xây dựng một gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành riêng cho việc hỗ trợ vốn để cải tạo, di dời các cơ sở sản xuất nông nghiệp theo mô hình nhà kính ra khỏi nội đô TP. Đà Lạt.
Theo Quyết định số 178/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xác định trong các năm 2023-2025 ngân sách nhà nước sẽ bố trí 3,08 tỷ đồng và huy động gần 173,8 tỷ đồng từ tổ chức, cá nhân để triển khai các hoạt động di dời nhà kính và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà kính giảm 20% so với năm 2022 và đến năm 2030 không còn diện tích nhà kính tại nội đô TP. Đà Lạt, dự kiến địa phương cần khoảng 4.820 tỷ đồng (riêng giai đoạn 2023-2025 cần khoảng 964 tỷ đồng).
Lâm Đồng cần hơn 4.800 tỷ đồng để di dời các mô hình nhà kính ra khỏi nội ô TP.Đà Lạt |
Theo Agribank Lâm Đồng, việc triển khai riêng một gói tín dụng ưu đãi sẽ khó thực hiện, bởi thẩm quyền của chi nhánh không thể đưa ra một gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho từng khu vực riêng biệt mà cần phải có chủ trương, chính sách chung từ Hội sở.
Một số đánh giá cho rằng, cơ chế di dời các mô hình nhà kính hiện hữu ở các khu vực thuộc TP. Đà Lạt phần nào tác động tiêu cực đến hoạt động cho vay NNCNC của các TCTD. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 65.300 ha đất sản xuất theo mô hình NNCNC (chiếm gần 22% diện tích đất canh tác). Theo đánh giá của các chuyên gia, từ 2016 đến nay, diện tích nhà kính, nhà lưới phát triển rất nhanh tại Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới đặt vấn đề xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cho vay đầu tư nhà kính đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật là khá chậm trễ. Việc quy hoạch các vùng được phép đầu tư nhà kính, nhà lưới để sản xuất NNCNC đáng ra phải được làm trước đây nhiều năm và lường trước những tác động đến cảnh quan môi trường từ “phong trào” đầu tư nhà kính.
Một số NHTM cho rằng, di dời các mô hình nhà kính hiện hữu có thể tác động không mong muốn tới các ngân hàng. Vì các năm qua, ngoài các doanh nghiệp đạt tiêu chí NNCNC được vay vốn ưu đãi thì số lượng khách hàng (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình) vay vốn thương mại từ các ngân hàng để đầu tư nhà kính, sản xuất hoa, rau màu theo mô hình NNCNC khá lớn. Nay vì quá tải nhà kính buộc phải tháo dỡ, di dời thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ cho ngân hàng.
Chính sách thay đổi làm tăng rủi ro tín dụng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến cuối tháng 9/2023, cả nước có 6 khu NNCNC cấp quốc gia, 18 khu NNCNC cấp địa phương được đầu tư xây dựng. Các doanh nghiệp ở địa phương cũng đã đầu tư khoảng 135 khu sản xuất NNCNC. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã đạt tiêu chí NNCNC hiện nay cũng đã đạt con số khoảng 2.300 đơn vị (290 doanh nghiệp, khoảng 2.000 HTX).
Cùng với sự phát triển các mô hình, dự án, đề án NNCNC các ngân hàng mở rộng tín dụng vào lĩnh vực này. Theo đánh giá của một số NHTM, hiện nay hoạt động đầu tư vốn cho NNCNC cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài các rủi ro chung về hiệu quả kinh doanh, thị trường tiêu thụ thì các mô hình NNCNC có nhu cầu vay trung dài hạn lớn, tỷ lệ vay tín chấp cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Vì vậy, nếu chính sách của địa phương thay đổi, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp liên kết thiếu bền vững hoặc các ưu đãi tài chính (hỗ trợ bằng tiền, hỗ trợ xây dựng hạ tầng, ưu đãi thuế, tiền thuê đất, cấp bù lãi suất…) chậm giải ngân, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong quá trình đồng hành với doanh nghiệp và chuỗi liên kết.
Thực tế, trường hợp hàng nghìn hecta nhà kính đã đầu tư phải di dời như ở Lâm Đồng không phải hiếm. Tại TP.Hồ Chí Minh mô hình sản xuất rau màu, thực phẩm VietGAP đã phải tháo dỡ nhà xưởng sau khi kết thúc chính sách thí điểm xây dựng công trình trên đất nông nghiệp; Đồng Nai (Biên Hòa, Long Khánh) người chăn nuôi heo phải di dời do tốc độ đô thị hóa nhanh.
Theo các chuyên gia, để khuyến khích phát triển tín dụng cho lĩnh vực NNCNC, các bộ, ngành, địa phương cần hạn chế rủi ro từ chính sách. Trong triển khai chính sách ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng cần triển khai nhanh, giảm thiểu rủi ro cho các NHTM khi đồng hành với doanh nghiệp.