Chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử thế nào?
Sự phát triển trong hoạt động thương mại điện tử đã đặt ra nhiều vấn đề trong việc quản lý thuế. |
Phối hợp đồng bộ trong quản lý
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm 2022 của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại điện tử tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định.
Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Quy mô của thị trường này sẽ lớn hơn và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay trong năm 2022.
Dữ liệu của của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric.vn, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia. Đến năm 2025, tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở nước ta có thể lên đến 29%, đạt 39 tỷ USD.
Để quản lý hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật; cơ quan thuế các cấp đã sớm chủ động vào cuộc, phối hợp với các ngành liên quan chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh này.
Chia sẻ về thực tế triển khai, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay, chính sách thuế đã có quy định với tổ chức, cá nhân khi hoạt động thương mại điện tử tự kê khai và nộp thuế theo quy định, cơ quan thuế đóng vai trò hướng dẫn, tuyên truyền là chính. Đồng thời, cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thuế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý...
Không chỉ riêng cơ quan thuế, các bộ, ngành có liên quan cũng tích cực tham gia hỗ trợ quá trình này. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, đơn vị thực hiện phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị như Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội để trao đổi thông tin cũng như xác định các đối tượng cần phải nộp thuế khi thực hiện các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số xuyên biên giới; ký biên bản hợp tác phối hợp trao đổi thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như trao đổi dữ liệu giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tài chính, trong đó có hoạt động quản lý thuế; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72...
Đại diện cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết, đơn vị đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85 sửa đổi bổ sung Nghị định 52 về thương mại điện tử hướng tới mục tiêu thúc đẩy các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam. Bộ cũng đang quản lý thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính về quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Đánh giá cao những kết quả đã đặt được, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhìn nhận, thành công của Việt Nam trong quản lý thuế trên thương mại điện tử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Chỉ ra một số nguyên nhân, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng nhờ vào việc ngành thuế đã tích cực trong chuyển đổi số. Hơn nữa, việc quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử không phải chuyện riêng của ngành tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan như ngành công thương, truyền thông, các ngân hàng... Các đơn vị trong bộ máy quản lý đã phối hợp hoạt động khá tốt.
Toàn cảnh tọa đàm (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ) |
Nộp ngân sách chưa tương xứng với tiềm năng
Theo VnEconomy dẫn nguồn từ cơ quan chức năng, kết quả số thu từ hoạt động thương mại điện tử thời gian qua, thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến ngày 14/7/2022 đạt 5.458 tỷ đồng, tốc độ thu bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, một số chuyên giá đánh giá, so với thu nhập và doanh thu khủng, số thuế nộp ngân sách nhà nước từ lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, thất thu ngân sách nhà nước, gây bất bình đẳng giữa những người kinh doanh.
Để thu thuế trong thương mại điện tử, ngành thuế đang gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, khó khăn trong quản lý đầy đủ nguồn thu và đối tượng nộp thuế khi người nộp thuế có thể bất kể là tổ chức hoặc cá nhân; khó khăn trong việc tính thuế và khó phân biệt các loại thu nhập; quản lý các đối tượng nộp thuế trong lĩnh vực này cũng không phải chuyện dễ dàng; vấn đề quản lý dòng tiền cũng không hề đơn giản vì tại Việt Nam giao dịch tiền mặt vẫn phổ biến.
Để quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử thêm hiệu quả và thực chất, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, quan trọng nhất phải quản lý hoạt động của dòng tiền. Bởi một giao dịch có thể lên tới hàng trăm nghìn đô la nhưng cũng có giao dịch số tiền hạn chế, phải quản lý được dòng tiền để đối soát khi các nền tảng xuyên biên giới hoặc các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh phát sinh doanh thu hoặc kinh doanh trên nền tảng xuyên biên giới kê khai thuế. Điều này sẽ thể hiện được việc kê khai thuế có đầy đủ như quy định hay không, có trường hợp nào giống như trốn thuế thì các bộ, ngành có liên quan cũng phối hợp để rà soát.
Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia đã áp dụng để chống thất thu thuế trong hoạt động thương mại điện tử, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng cần có 4 biện pháp, đó là: Củng cố nền tảng pháp lý để đảm bảo đầy đủ cơ sở để thực hiện các biện pháp quản lý; việc quản lý thuế trong giao dịch hàng hóa trên không gian mạng, đặc biệt là xuyên biên giới không phải quản lý con người mà là quản lý hoạt động kinh tế; các cơ quan quản lý cần tăng cường sử dụng các công cụ để thu thập thông tin trên nền tảng số như AI, Big Data... để tìm ra các hành vi giao dịch khi có những người trốn thuế hoặc không khai báo thuế; sử dụng công cụ về liên kết quốc tế để quản lý được tất cả các hoạt động, dù là giao dịch đó diễn ra trong nước hay nước ngoài.