Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp và người dân
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì hội nghị |
Hỗ trợ một cách chủ động và quyết liệt
Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp, người dân là khách hàng của các TCTD chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Theo Thống đốc, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Thủ tướng Chính phủ đã có 10 công điện, Chính phủ tổ chức hội nghị với các địa phương để tìm giải pháp khắc phục sau cơn bão.
Về phía ngành Ngân hàng, NHNN đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Thực tế, các ngân hàng đã và đang chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bằng chính khả năng tài chính của mình.
Tại Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc chia sẻ, sau khi đánh giá lại tình hình thiệt hại của khách hàng, ngân hàng đã triển khai giảm lãi suất lên đến 2% cho các ngành nghề và khu vực bị ảnh hưởng cụ thể. Theo đó, Vietcombank chủ động thực hiện giảm lãi suất từ ngày 6/9 cho các khoản vay cũ và các khoản vay mới, với quy mô vốn khoảng 160.000 tỷ đồng, với số khách hàng khoảng 25.500.
Tại VietinBank, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc cho biết, ngân hàng đã xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 1% dành cho cả khoản vay cũ và vay mới, với quy mô 100.000 tỷ đồng, chương trình kéo dài đến hết năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội và triển khai thêm các gói ưu đãi khác để hỗ trợ khách hàng.
Ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng giám đốc BIDV cũng chia sẻ, nhằm hỗ trợ khách hàng, ngân hàng đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, trong đó, giảm ngay lãi suất từ 0,5 - 2% tuỳ theo mức độ thiệt hại của khách hàng, cho vay cả khách hàng hiện hữu và cho vay mới. Quy mô gói hỗ trợ này là 40.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 60.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV. Thời gian áp dụng từ ngày 20/9 - 31/12/2024.
Ở góc độ địa phương bị thiệt hại do bão gây ra, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: “Chúng tôi rất cảm ơn ngành Ngân hàng đã có những chính sách kịp thời. Qua báo cáo của các ngân hàng tại hội nghị, chúng tôi rất mừng khi thấy các ngân hàng đều đã khẩn trương triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp tích cực với các ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3”.
Công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách
Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao và biểu dương các ngân hàng đã tích cực, nhiệt tình triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo Phó Thống đốc, các chương trình hỗ trợ của ngân hàng đưa ra rất tích cực, với tinh thần thiệt hại nhiều thì hỗ trợ nhiều, đồng thời chủ động đưa ra nhiều chính sách cho vay mới, chủ động giảm lãi suất cho khoản vay cũ và cho vay mới; nhiều ngân hàng quy mô nhỏ cũng tham gia rất tích cực…
Phó Thống đốc cho biết, quan điểm chỉ đạo của ngành Ngân hàng là toàn Ngành thể hiện tinh thần và trách nhiệm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Các NHTM bằng chính nguồn lực từ lợi nhuận của mình, nỗ lực tiết giảm chi phí để miễn giảm lãi vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tùy theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đồng hành với khách hàng.
Mỗi nhà băng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh. Phó Thống đốc cũng đề nghị các ngân hàng thực hiện chính sách công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô. Dù ảnh hưởng của bão số 3 sẽ làm giảm tăng trưởng GDP, nhưng ngành Ngân hàng sẽ quyết tâm cùng với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ để đạt được tăng trưởng. Phấn đấu đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15%, đảm bảo nguồn vốn để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP Chính phủ đã đặt ra.
Đồng thời, NHNN cũng sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra. Góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, NHNN cũng sẽ sớm ban hành chương trình hành động của toàn Ngành để hỗ trợ người dân sau bão lũ.
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu tiếp tục đánh giá các thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, có văn bản chỉ đạo ngay các chi nhánh, phòng giao dịch 26 tỉnh thành phố để triển khai ngay các chương trình/gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, để làm sao các chính sách hỗ trợ được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng. Phối hợp chặt chẽ với NHNN các tỉnh/thành phố trong việc giám sát các chi nhánh/phòng giao dịch trong quá trình triển khai. Tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai.
Trên cơ sở hướng dẫn, thực hiện ngay miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Linh hoạt trong hoạt động cho vay (cho vay tín chấp...) nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Đồng thời, quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Kịp thời báo cáo khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai về hội sở chính và NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, cần tổng hợp, thống kê, đánh giá kịp thời những thiệt hại của Ngành, của khách hàng để báo cáo kịp thời. Chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tốt các gói hỗ trợ được các NHTM cam kết. Nắm bắt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Bám sát chủ trương đường lối của địa phương để phối hợp triển khai, tăng cường truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh… Về phía các vụ, cục, đơn vị thuộc NHNN tiếp tục nắm bắt, theo dõi tình hình từ TCTD và chi nhánh NHNN để đề xuất, tham mưu chính sách kịp thời.