Chữ ký số: Giải pháp nâng cao giao dịch điện tử
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Xét riêng với lĩnh vực ngân hàng, chữ ký số được xem là một phương tiện hữu hiệu để các ngân hàng tăng cường tính cạnh tranh trong thời đại công nghệ điện tử.
Chữ ký số giúp giảm rủi ro trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch ngân hàng điện tử |
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, khi xác thực người dùng đăng ký sử dụng các dịch vụ ngân hàng đòi hỏi rất nhiều văn bản, giấy tờ pháp lý liên quan như chứng minh thư hoặc hộ chiếu, chữ ký tươi, các giấy tờ bảo đảm khác tuỳ yêu cầu dịch vụ, thậm chí bản thân người dùng phải có mặt tại các điểm giao dịch nhằm đảm bảo các giấy tờ liên quan là hợp lệ và đúng với người sử dụng.
Tuy nhiên, khi chuyển sang môi trường số, do hạn chế trong việc tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng và nhân viên ngân hàng, để xác thực khách hàng sẽ yêu cầu nền tảng công nghệ đặc thù như hệ thống xác thực sinh trắc học, chứng minh thư điện tử, chữ ký số... cũng như các vấn đề pháp lý liên quan mới có thể đáp ứng được yêu cầu.
Hành lang pháp lý mới đang từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở cho việc triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số phát huy hiệu quả sử dụng. Do đó vẫn còn vướng mắc khi áp dụng chữ ký số trong thực tiễn. Ví dụ có nhiều hình thức ký như ký thay, ký thừa lệnh, ký uỷ quyền và hình thức dùng dấu cũng khá đa dạng như: giáp lai, mật, treo, khẩn. Câu hỏi đặt ra là sẽ giải quyết những vấn đề trên trong môi trường mạng như thế nào? Ngoài ra, còn phải tính đến thay đổi quy trình văn thư, thay đổi văn bản pháp luật quy định về văn thư lưu trữ, định dạng văn bản điện tử có chữ ký số, quy định liên quan đến chuyển đổi văn bản điện tử sang văn bản giấy và ngược lại...
“Một số quy định về công tác văn thư, lưu trữ còn gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số trong việc triển khai ứng dụng cũng như công tác tích hợp chữ ký số vào các hệ thống thông tin của ngân hàng...”, vị này cho hay.
Hiện đại, tương đối an toàn, nhưng việc sử dụng chữ ký số không phải lúc nào cũng thuận tiện. Như với việc khách hàng lần đầu đăng ký hay sử dụng dịch vụ ngân hàng số, chữ ký số chỉ được cấp sau khi khách hàng đăng ký thành công dịch vụ, chữ ký số phải đi cùng với yêu cầu về thiết bị lưu trữ chuyên dụng...
Ông Đặng Đức Huy, Giám đốc Khối ngân hàng bán lẻ của SCB bày tỏ quan điểm, mặc dù Luật Giao dịch điện tử đã được Chính phủ ban hành, tuy nhiên chỉ ở góc độ quy định đối với giao dịch điện tử, thương mại điện tử của ngân hàng, các quy định còn chưa cụ thể. Chương VII (các điều 50, 51, 52) của Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm khá chung chung. Nghị định số 130/2018/NĐ-CP cũng không có các điều khoản quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử. Do đó, việc xử lý các tranh chấp trong thực tế giữa ngân hàng với khách hàng sẽ gặp không ít khó khăn.
Vì thế, các chuyên gia cũng khuyến nghị NHNN cần xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến dịch vụ giao dịch số, chữ ký xác nhận điện tử; đồng thời phải nâng cao trình độ công nghệ cho cán bộ để quản lý các dịch vụ ngân hàng số. Để ngân hàng số hoạt động hiệu quả, cần cơ sở pháp lý cho định danh điện tử (eID) và xác thực đúng người giao dịch thông qua chữ ký số.
Việt Nam chưa có luật về nhận dạng điện tử công dân, chưa có quy định và cơ quan chịu trách nhiệm trong việc cấp phát nhận dạng điện tử cho công dân, chưa có cơ chế chia sẻ dữ liệu nhận dạng điện tử liên quan đến thủ tục hành chính, hoạt động kinh tế - xã hội cho các tổ chức xã hội. Bởi vậy yêu cầu tối thiểu khi mở tài khoản và đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử vẫn yêu cầu khách hàng phải đến các điểm giao dịch của ngân hàng.
Chuyên gia nhận thấy, chính sách nhà nước hiện hành về Luật Giao dịch điện tử cần được rà soát và cập nhật, quy định cụ thể hơn về các loại chữ ký điện tử để xác thực khách hàng, không nhất thiết phải áp dụng “chữ ký số” cho tất cả các giao dịch điện tử. “Với đặc thù giao dịch điện tử, khách hàng và các đơn vị cung cấp ngân hàng số không trực tiếp gặp mặt để thực hiện dịch vụ, nên việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho giao dịch cần được ưu tiên như là điều kiện tiên quyết để tạo niềm tin cho khách hàng”, chuyên gia chia sẻ.
Đối với vấn đề xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chuyên gia cho rằng, để hoạt động Chính phủ điện tử, xã hội điện tử cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội khác phát triển, cần phải có hạ tầng “nhận dạng công dân điện tử” thống nhất. Theo đó cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ định danh điện tử tập trung (eKYC/eID) do một cơ quan chức năng chịu trách nhiệm cấp phát, quản lý, lưu trữ. Cơ sở dữ liệu này cần cung cấp một cổng truy xuất công cộng, cho phép tất cả các tổ chức xã hội khi cần có thể truy xuất dữ liệu qua một tiêu chuẩn kết nối đã được quy định để thực hiện xác thực nhận dạng điện tử cá nhân liên quan đến thủ tục hành chính bất kỳ.