Chữ ký số từ xa: “Chìa khóa” phát triển kinh tế số
Tháo gỡ khó khăn về định danh điện tử
Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, việc lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số không chỉ là tư tưởng mà đã được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đặc biệt đầu của tháng 11/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng theo mô hình ký số từ xa cho 3 doanh nghiệp là Tập đoàn VNPT, Công ty cổ phần MISA và Công ty cổ phần công nghệ SAVIS.
Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Phan Thái Dũng - Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (NHNN) cho biết, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo ứng dụng chữ ký số cho các giao dịch lớn, thực tế các ngân hàng đã áp dụng chữ ký số cho nhiều giao dịch thanh toán, chuyển tiền. Tuy nhiên, ứng dụng chữ ký số cho các giao dịch nhỏ, khách hàng cá nhân chưa nhiều, một phần do chi phí khá cao. Việc ứng dụng chữ ký số cá nhân từ xa thuận tiện, chi phí hợp lý hơn thì sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng chữ ký số trong giao dịch nhỏ lẻ, giá trị thấp.
Dịch vụ chữ ký số từ xa là “chìa khóa” để thực hiện số hóa thành công |
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cũng chia sẻ, hiện ngân hàng đã áp dụng chữ ký số trong các hoạt động nội bộ cũng như cho khách hàng doanh nghiệp. Dù vậy, chữ ký số cho khách hàng cá nhân vẫn chưa phát triển như kỳ vọng. Hiện NHNN đã cho phép mở tài khoản từ xa, qua công nghệ e-KYC, tuy nhiên trong hoạt động cho vay chưa hoàn toàn số hóa khi ngân hàng vẫn phải gặp mặt trực tiếp khách hàng để ký hợp đồng…
Tương tự trong lĩnh vực chứng khoán, ông Tạ Minh Phương - Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt cho biết, dù đã được áp dụng e-KYC để có thể tự động hóa quá trình mở tài khoản và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhưng vướng mắc là e-KYC chưa thực sự triệt để, chưa online 100%. Bài toán đặt ra là cần giải pháp không chỉ xác thực giao dịch, mà còn đảm bảo an toàn, cân bằng, bảo mật mà không cần gặp gỡ khách hàng.
Riêng với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng đồng tình cho rằng, một hình thức ký số từ xa với các gói cước ngắn hạn, chi phí hợp lý sẽ góp phần không nhỏ để doanh nghiệp và khách hàng thuận lợi hơn trong việc ký kết các hợp đồng điện tử.
Đảm bảo tiện lợi, an toàn cho người dùng
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia cho biết, so với hai hình thức ký số khác bằng USB Token và Sim PKI, chữ ký số từ xa là loại hình ký số thuận lợi nhất cho người dùng do không phụ thuộc vào nhà mạng, không phụ thuộc vào thiết bị, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng ký số.
Người dùng có thể sử dụng để ký các giao dịch từ cổng dịch vụ công, hợp đồng điện tử, các tờ khai thuế, hải quan… Ngoài ra, chữ ký số từ xa giúp xác thực cả hai yếu tố là người ký và nội dung được ký.
Phó giám đốc phụ trách Trung tâm chứng thực điện tử Quốc gia cũng cho biết chữ ký số từ xa sử dụng đường truyền bảo mật giữa người sử dụng và máy chủ dịch vụ. Hệ thống sẽ sử dụng video nhiều góc độ và cả trí tuệ nhân tạo (AI) để xác thực việc đăng ký của người dùng. Do đó, giải pháp này đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, bảo mật.
Trước thắc mắc liệu có trường hợp khách hàng bị lấy chữ ký để xác thực các giao dịch mà khách hàng không biết, ông Nghĩa cho biết, trong trường hợp đó, sẽ không chỉ là trách nhiệm của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số mà còn là trách nhiệm của trung tâm chứng thực điện tử quốc gia. Bởi trước khi thẩm định tham mưu cấp phép triển khai dịch vụ, trung tâm đã rà soát rất kỹ.
Chữ ký số từ xa khác với dịch vụ ký số truyền thống là khóa bí mật của chứng thư sẽ được lưu tại hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ thay vì trên thiết bị của người dùng. Khâu trọng yếu nhất của loại hình dịch vụ này là đảm bảo an toàn của chứng thư số và chỉ được sử dụng khi thuê bao cho phép.
Là đơn vị được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Ngô Diên Hy - Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT thông tin, so với các hình thức ký số hiện tại, chữ ký số từ xa có một số ưu điểm như: Tiết kiệm tối đa chi phí cho người dùng, đặc biệt là người dùng cá nhân khi thực hiện được nhiều giao dịch điện tử từ xa, với các cấp độ an toàn cao nhất với chỉ một chữ ký số từ xa.
Cùng với đó là tiết kiệm chi phí cho các tổ chức, doanh nghiệp có hạ tầng giao dịch điện tử chỉ cần sử dụng một hình thức xác thực giao dịch duy nhất với mức an toàn tối đa, giúp thúc đẩy thương mại điện tử, các giao dịch điện tử…
Đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, chi phí dành cho chữ ký số từ xa rất hợp lý. Theo đó, sẽ cung cấp nhiều dịch vụ để phổ cập theo nhu cầu của khách hàng, có các gói dài hạn cho khách hàng sử dụng thường xuyên và có dịch vụ cho khách hàng dùng ngắn hạn. Để đảm bảo không chỉ phù hợp với doanh nghiệp mà cả cho người dân có thể sử dụng.
Lợi ích của chữ ký số cá nhân là không thể phủ nhận, nhưng làm thế nào để phổ biến tới người dân là một bài toán lớn. Theo ông Nguyễn Huy Dũng, phải làm sao cho toàn bộ người dân hiểu được sự tiện lợi, hơn ký tay. Ở góc độ chính quyền, cần có chính sách cụ thể. Trước hết là đẩy mạnh chữ ký số cá nhân cho các dịch vụ công trực tuyến, hay hóa đơn điện tử cho hộ gia đình.
Đặc biệt, trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh, có nhiều giấy tờ cần chữ ký số cá nhân để tạo sự thuận lợi cho người dân. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, dự kiến đầu năm 2022, Bộ sẽ ban hành chương trình hành động để phổ biến chữ ký số cá nhân trong xã hội. Theo đó, trong tương lai tới đây, chữ ký số sẽ dần trở nên thông dụng hơn trong cuộc sống của mỗi cá nhân, chứ không chỉ dành cho doanh nghiệp.