Chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp
Thủ tục hành chính “trói chân” doanh nghiệp nông nghiệp Doanh nghiệp nông nghiệp xoay trở chuyển đổi số Ngành nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn tiềm tàng trong tương lai |
Doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp. |
Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, ngành lúa gạo Việt Nam có năng lực sản xuất mạnh nhất thế giới theo các tiêu chí sản xuất bền vững. Việt Nam có năng suất ở mức cao nhất thế giới, năng suất lao động ở mức cao nhất thế giới và chi phí vận chuyển, chế biến thô ở mức thấp nhất thế giới.
Tuy nhiên, nông nghiệp có canh tác riêng lẻ, độc lập, không có cơ chế liên kết để bảo vệ quyền lợi của nhau cũng như chia sẻ khó khăn với nhau. Kết quả là chỉ cần 1 lượng nhỏ thương lái có thể thao túng hàng triệu nông dân.
Theo ông Thuận, năng suất lao động cao trên từng diện tích canh tác nhưng không được tổ chức khoa học, hoạt động không liên tục dẫn đến lãng phí nguồn lực, chí phí sản xuất thấp nhưng không đủ vốn sản xuất liên tục dẫn đến lãng phí nguồn lực và chi phí vận chuyển thấp nhưng cũng không được tố chức hiệu quả dẫn đến lãng phí nguồn lực,
Còn theo ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong bối cảnh tổng cầu giảm, để xuất khẩu rau quả sang các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu cần tập trung vào các mặt hàng chế biến sâu.
Ông Bình cho rằng, nếu đưa hàng tươi thì không thu về nhiều lợi nhuận, do thời gian vận chuyển quá lâu, sản phẩm của chúng ta không thể kéo dài và giữ được chất lượng. Với mặt hàng chế biến sâu, ta có thể tăng kim ngạch, tăng thị trường.
Tuy nhiên, chất lượng nông sản xuất khẩu chưa đồng đều, thiếu ổn định, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải còn rất hạn chế trong khi các yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe.
Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất chuyển đổi chậm, vẫn chủ yếu dựa vào hộ sản xuất quy mô nhỏ, thiếu bền vững khi xu hướng tăng đầu vào để nâng cao năng suất và phòng, chống dịch bệnh phức tạp còn khá phổ biến.
Trong những tháng đầu năm 2023, sản xuất nông nghiệp đã đạt được kết quả khả quan. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm so với cùng kỳ thì khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung – đóng góp lớn nhất trong ba khu vực kinh tế.
Tuy nhiên nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Nước ta là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp, nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu là các hộ gia đình, điều này khiến cho sự phát triển của ngành nông nghiệp thiếu tính đột phá, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết ngày 31/12/2022, cả nước có 12.094 doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số 89.5876 doanh nghiệp cả nước đang hoạt động, chỉ chiếm gần 1,35% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.
Quy mô đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 90%, doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4% và tiếp đến là doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%.
Theo TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Kinh tế trung ương, sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp trong giai đoạn vừa qua còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách thực sự đủ mạnh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp nông nghiệp.
Có cùng quan điểm trên, TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế, doanh thu của các doanh nghiệp nông nghiệp chỉ bằng 0,62% tổng doanh thu của hệ thống doanh nghiệp.
Theo bà Minh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp còn yếu kém, thể hiện ở việc các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chưa cập nhật công nghệ sản xuất, chưa chuyên nghiệp quản lý sản xuất và thiếu đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.
Hiện nay, chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu tập trung vào hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp nông nghiệp như hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.
"Lĩnh vực hỗ trợ của chính sách như vậy được xem là khá toàn diện, tuy nhiên tính đồng bộ của chính sách, mức độ hỗ trợ của chính sách chưa tốt, đôi khi khâu tổ chức triển khai còn chậm, nguồn lực bố trí cho triển khai chính sách khá khó khăn nên các chính sách có mức hỗ trợ thấp lại tổ chức thực hiện một cách nửa vời nên hiệu quả, mức độ tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp chưa lớn", TS. Vũ Mạnh Hùng cho biết.
Theo bà Minh, những hạn chế về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nông nghiệp trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân trực tiếp đến từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, thu hút đầu tư của Nhà nước.
Do đó, để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo bà Minh, cần tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu, xây dựng hệ thống hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp và tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ công tác pháp lý cho doanh nghiệp.