Chưa giải được bài toán xuất khẩu nông sản thô, giá trị gia tăng thấp
Xuất khẩu nông sản dưới dạng thô là nguyên nhân khiến nông sản không có sức cạnh tranh |
Xuất khẩu thô, khó cạnh tranh
Theo bà Lê Thị Bích Thu, chuyên gia của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam có mức tăng trưởng hằng năm khá (bình quân tăng khoảng 8-10%/năm), song, sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế, chất lượng không đồng đều... Nông sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô dẫn tới giá trị thấp hơn mặt hàng cùng loại của các nước.
Đơn cử như ngành chè Việt Nam - một trong số những mặt hàng đứng tốp đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng vì chủ yếu là xuất khẩu thô, khó cạnh tranh và không có thương hiệu.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến nay xuất khẩu chè đạt 99,85 nghìn tấn, trị giá 175,1 triệu USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Nhưng điều đáng buồn là trong 99,85 nghìn tấn chè đã xuất khẩu thì có tới gần 90% là nguyên liệu thô. Vì vậy nhiều chuyên gia trong ngành đánh giá đây là một trong những nguyên do khiến giá chè xuất khẩu của nước ta chỉ bằng 50-60% giá bình quân thế giới, ngay cả khi xuất khẩu đạt kim ngạch cao.
Việc xuất khẩu sản phẩm thô không chỉ diễn ra trong ngành chè mà còn ở rất nhiều ngành nông sản xuất khẩu khác của Việt Nam như hạt tiêu, cà phê… Lý giải điều này một phần cũng phải kể đến việc đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến tại Việt Nam chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành nông nghiệp.
Phân tích rõ hơn, tại hội thảo “Chính sách nâng cao chất lượng hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến” ông Vũ Huy Phúc, Trưởng phòng Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho biết: "Ngành chế biến nông sản của Việt Nam còn khá nhiều hạn chế. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị, khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Việc chế biến chủ yếu là thủ công, ít nhà máy hiện đại; chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến với vùng sản xuất".
Dưới góc độ khác, ông Vũ Kiên Trung, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Tùng Lâm cho biết: "Để sản xuất nông sản thành phẩm xuất khẩu không chỉ dựa vào công nghệ mà còn phải giải quyết được vấn đề nguồn cung nguyên liệu. Đã nhiều lần chúng tôi về những vùng nguyên liệu lớn để thu mua chè, sắn… nhưng đều không có hoặc có với số lượng ít. Sau tìm hiểu mới biết, một số người dân và doanh nghiệp đứng ra thu mua nguyên liệu với số lượng lớn để bán lại cho thương lái nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%), gây ra thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Đây là một trở ngại lớn để các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được thương hiệu cho nông sản trên thị trường quốc tế.
Cần phát triển mạnh các cụm liên kết cho nông sản
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết gần đây được đánh giá là cơ hội cho nông sản Việt Nam có điều kiện thuận lợi để hội nhập, chinh phục các thị trường khó tính nhất.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, để nắm bắt tốt cơ hội này các doanh nghiệp phải có kế hoạch hành động cụ thể, mà trước mắt là phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ, sau đó hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu.
Hiện nay, mô hình liên kết này đã được một số doanh nghiệp áp dụng và đã phát huy được hiệu quả tốt, đơn cử như công ty TNHH Tùng Lâm. Ban đầu doanh nghiệp chỉ xuất khẩu sắn lát của Việt Nam sang Trung Quốc nhưng từ năm 2007, công ty bắt đầu đầu tư nhà máy sản xuất cồn ethanol từ nguyên liệu sắn lát với công suất 60.000 m3/năm, bao gồm cả cồn 99% pha xăng, cồn 95% thực phẩm, công nghiệp. Và mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ được áp dụng khép kín tại Công ty Tùng Lâm ra đời.
Theo ông Vũ Kiên Trung, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tùng Lâm, doanh nghiệp đã xây dựng những chương trình cộng tác với người nông dân để phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ nguyên liệu sắn cho người nông dân. Ngoài sản phẩm cồn, công ty còn chủ động đẩy mạnh phát triển thêm rất nhiều phụ phẩm trong quá trình sản xuất cồn.
Mô hình của công ty giúp giảm chi phí trồng trọt, tăng sản lượng của nguyên liệu sắn. Chủ động tiếp cận nguồn tiêu thụ ổn định cho cồn và phụ phẩm cồn với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế và trở thành một trong số những doanh nghiệp “sống khỏe” nhờ chế biến nông sản.
Từ mô hình của công ty Tùng Lâm cho thấy, thay vì xuất khẩu nông sản thô, các doanh nghiệp nên hướng đến phát triển cụm liên kết cho nông sản để tạo ra được những sản phẩm khác từ nông sản có giá trị cao hơn, đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn. Qua đó sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh, giá trị xuất khẩu cũng như phát triển nền nông nghiệp nước ta một cách bền vững.
Ngoài ra, theo ông Vũ Huy Phúc để các doanh nghiệp này phát triển bền vững cần rà soát sửa đổi chính sách về thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hướng mở rộng lĩnh vực được hưởng ưu đãi thuế suất thuế VAT bằng 0% cho các lĩnh vực nông sản được ưu tiên thu hút đầu tư; bảo đảm công bằng trong đánh thuế VAT giữa hàng hóa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.