Chưa phải thời điểm thích hợp bỏ room tín dụng
Nới room tín dụng: Tiếp sức cho doanh nghiệp hồi phục Vẫn cần “room” tín dụng |
Ông có nhận định thế nào về tình hình tăng trưởng tín dụng cũng như việc điều hành bằng công cụ room tín dụng của NHNN trong thời gian qua?
Trong năm 2023, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Chặng đường tăng trưởng tín dụng năm nay gặp khá nhiều chông gai và cho tới thời điểm hiện tại, mục tiêu tăng trưởng khoảng 14,5% chắc chắn không đạt được. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là tương quan và phù hợp với tăng trưởng kinh tế.
Nguyên nhân tín dụng chưa đạt mức tăng như kỳ vọng chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác. Về phía cơ quan điều hành, NHNN đã sử dụng công cụ room một cách linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường. Trong lần cấp room mới đây, NHNN đã chủ động thông báo mức tăng trưởng thêm cho các TCTD theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.
Rõ ràng, việc NHNN phải duy trì chính sách cấp hạn mức tín dụng từ năm 2011 cũng là xuất phát từ điều kiện thực tế của Việt Nam. Bài học kinh nghiệm của giai đoạn tăng trưởng tín dụng nóng, thiếu kiểm soát đã để lại hậu quả hết sức nặng nề như chạy đua lãi suất, nợ xấu tăng mạnh... Đến thời điểm này, việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các TCTD còn dở dang và chắc vẫn tiếp tục kéo dài, phức tạp, đòi hỏi nhiều nguồn lực xử lý.
Có ý kiến cho rằng nên bỏ công cụ room tín dụng, quan điểm của ông như thế nào?
Việc bỏ công cụ room tín dụng chắc chắn là nên làm, nhưng hiện tại chưa phải thời điểm thích hợp. Thứ nhất, đối với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, thị trường vốn chưa phát triển được như kỳ vọng. Các kênh huy động vốn dài hạn như thị trường trái phiếu, chứng khoán vẫn khó khăn, chưa qua giai đoạn trầm lắng, vốn cho nền kinh tế vẫn đè nặng lên vai các nhà băng. Thời gian qua, nhiều tổ chức quốc tế như IMF, WB đều cảnh báo Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Thứ hai, xét về hệ thống các TCTD, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực từ cả phía cơ quan quản lý và các TCTD nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề như: Có sự phân hóa về “sức khoẻ” giữa các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng... ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Hiện tại, đã có nhiều ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II, thậm chí có ngân hàng áp dụng một số quy định của Basel III. Tuy nhiên đến thời điểm này, cũng có ngân hàng chưa áp dụng được chuẩn Basel II. Vì vậy, nếu không có giới hạn, tăng trưởng tín dụng rất dễ vượt qua khả năng quản trị của một số ngân hàng. Mặt khác còn có thể tạo áp lực lớn đến lạm phát và mặt bằng lãi suất.
Áp lực lạm phát dù đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ khi vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa phải góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định an toàn hệ thống TCTD. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là cần thiết.
Trong dài hạn, để có thể bỏ công cụ room tín dụng, cần có những điều kiện gì, thưa ông?
Như tôi đã phân tích ở trên, để có thể bỏ “barie” tín dụng thì trước tiên, cần phát triển thị trường vốn đa dạng hơn, giảm áp lực vốn trung và dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Tiếp đến, quan trọng là củng cố nội lực, sức khoẻ của các nhà băng. Chính các ngân hàng phải tự nâng cao sức đề kháng, chứng minh được khả năng quản trị rủi ro tốt của mình.
Mục tiêu điều hành của NHNN quan trọng nhất vẫn là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ an toàn của hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Khi các mục tiêu đó được đảm bảo thì cơ quan quản lý sẽ mạnh dạn bỏ công cụ room tín dụng. Trong thời gian tới, lộ trình để từng bước bỏ công cụ này cần được đặt ra một cách phù hợp, với các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể.
Xin cảm ơn ông!